Đường Hà Nội ùn tắc lúc 1h sáng vì cổ động viên đi 'bão đêm'
Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng không chỉ có thắng, thua. Chia sẻ với Health Line, tiến sĩ Alan Pringle, chuyên gia sức khỏe tâm thần từ Đại học Nottingham (Anh) cho biết con người sẵn sàng chịu mưa, rét cùng hàng loạt sự khó chịu khác để cổ vũ đội bóng yêu thích bởi bộ môn này mang đến hạnh phúc. Dưới đây là những nguyên nhân lý giải hiện tượng này.
Thúc đẩy sự tự tin
Đôi khi, chúng ta không chỉ vui vì thành công của riêng mình mà còn hạnh phúc trước thành công của người khác.
"Ví dụ điển hình nhất là khi bố mẹ khoe khoang về thành tích của con cái", tiến sĩ Edward R. Hirt từ khoa khoa học tâm lý và não bộ Đại học Indiana (Mỹ) cho biết. "Chúng ta cũng có xu hướng làm điều tương tự với những người không hề quen biết như chính trị gia, diễn viên, vận động viên cùng quê. Mối liên hệ này giúp chúng ta trở nên tốt đẹp hơn".
Trong bóng đá và thể thao, người hâm mộ cũng gắn bản thân với đội tuyển yêu thích. Chiến thắng của đội tuyển giống như chiến thắng của chính các fan.
Ngôn ngữ chung
Thế giới có thể thay đổi nhưng bản chất của thể thao vẫn nhất quán. "Nhiều người kể với tôi rằng ông và bố của họ xem bóng đá nên họ cũng xem", tiến sĩ Pringle nói. Bóng đá cho phép các thế hệ chia sẻ cùng nhau.
Bên cạnh đó, tình yêu thể thao kết nối những người có nền tảng kinh tế xã hội khác nhau. "Một luật sư, một nhân viên vệ sinh và một người vô gia cư có thể ngồi xuống cạnh nhau để thưởng thức bóng đá mà chẳng cần quan tâm xem họ có bao nhiêu tiền hay sống ở đâu", tiến sĩ Pringle tiếp tục.
"Thể thao là một phần quan trọng của rất nhiều người", tiến sĩ Hirt bổ sung. "Chúng ta cảm thấy sự tương đồng, gần gũi và liên kết với fan hâm mộ cùng đội tuyển giống như những người cùng tôn giáo".
Thăng hoa cảm xúc
Thể thao là nơi để con người tự do thể hiện cảm xúc. Ví dụ, ở sân vận động, đàn ông có thể ôm nhau khóc hoặc la hét để giải tỏa ức chế. Trong hầu hết các hoàn cảnh khác, những hành động này đều bị đánh giá là không phù hợp.
Thay đổi thể chất
Ngoài tác động tâm lý, thể thao còn ảnh hưởng đến thể chất con người.
Cụ thể, một nghiên cứu năm 1998 chỉ ra nồng độ testosterone của fan đội thắng cuộc sẽ tăng còn của fan đội thua cuộc lại giảm. Không chỉ liên quan đến nhu cầu tình dục, testosterone còn duy trì sự hưng phấn và làm tăng sự thỏa mãn.
Theo Minh Nguyên (VnExpress.net)