Sống vất vả vì cô em chồng
Sống thì phải có lễ độ, đừng khiến bản thân mình trở nên kém văn minh chỉ vì vài quan niệm, lời nói. Như câu chuyện của cô em chồng dưới đây cũng thế. Một nàng dâu đã chia sẻ lại chuyện này như sau:
“Gia đình mình nghèo nhưng mình lại học rất tốt. Sau khi học xong cấp 3, mình nhận học bổng của một trường đại học rồi tốt nghiệp loại xuất sắc. Sau đó, mình được giữ lại làm giảng viên. Vì lo lắng học hành, mình chẳng yêu ai, mãi sau này mới yêu và cưới anh ấy.
Chồng mình người thành phố, đẹp trai, con nhà có điều kiện. Ban đầu anh ấy theo đuổi mình ráo riết, mình mới đồng ý. Về nhà anh thì tất cả mọi thứ đều dễ chịu. Bố mẹ chồng rất tốt, họ không để ý chuyện mình sinh ra ở đâu, hoàn cảnh thế nào. Chuyện đám cưới được bàn tính ngay sau đó. Tuy nhiên, vướng mắc lại đến từ cô em chồng”, cô kể.
Theo đó, em chồng cô luôn không hài lòng với chuyện chị dâu nông thôn. Trong mắt cô em, việc anh mình như vậy nhưng cưới gái nhà nghèo là khó chấp nhận, kém đẳng cấp. Thời gian đầu sau khi kết hôn, em chồng vẫn ra vào làm khó. Bố mẹ chồng từng nhắc nhở rất nhiều về thái độ của em cô em.
“Mình cưới vào nhà được nửa năm thì cô ấy đi lấy chồng. Những tưởng sau đó cuộc sống yên ổn thì chồng nó đi tu nghiệp ở Pháp. Hai vợ chồng mua căn chung cư ngay gần nhà bố mẹ chồng. Vậy là ngày nào cũng như ngày nào, cô em về nhà bố mẹ đẻ liên tục.
Tuy nhiên nó vẫn không có chút ý thức, lúc nào cũng chê bai đủ thứ của mình. Quà cáp mình đi du lịch về mua cho thì nó bảo quê mùa. Đồ ăn thức uống chê bai cách nấu không hiện đại.
Hồi còn chưa chồng, thi thoảng nó còn vào bếp. Bây giờ nó tự coi mình là khách. Nhưng có lẽ sợ bố mẹ và chồng mình nên mấy câu chê bai nó chỉ dám nói riêng lúc chỉ có hai chị em thôi”, cô vợ kể.
Màn "chỉnh đốn" em chồng vì bữa cơm
Lần nọ, cô vợ nấu một bữa cơm tươm tất đợi bố mẹ và chồng về nhà ăn cơm. Trong thời gian cô nấu nướng thì em chồng vẫn đang nằm ở ghế sofa nghịch điện thoại. Đến khi cơm nước xong xuôi, em chồng mới vào bếp để ‘đi tuần’.
Cô vợ kể: “Lúc đó mình bày biện lên bàn hết rồi vì như bình thường là vài phút nữa bố mẹ chồng về tới nhà. Nhưng bằng một ánh mắt vô cùng khinh thường, cô em bắt đầu bảo mình nấu nướng kiểu gì mà kinh dị thế này. ‘Nhà này chẳng bao giờ ăn món này như thế cả, chị có biết nấu ăn không đấy?’. Lúc đó mình bực bội nói thẳng: ‘Em muốn ăn như thế nào có thể tự nấu chứ chị vẫn chế biến như vậy, chưa ai chê cả’.
Có vẻ như không ngờ mình bật lại nên nó ‘nhảy xổ’ lên cãi lại: ‘Giọng điệu của chị là sao? Tôi chưa chồng thì thôi bây giờ tôi đã lấy chồng thì là khách. Có khi nào khách phải vào bếp không? Tôi biết ngay mà, những người xuất thân như chị thì biết đâu được là cái tốt. Anh tôi chắc chắn bị lừa. Cả nhà chị chắc mừng lắm ha con gái ‘lừa’ được trai thành phố như chuột sa chĩnh gạo’.
Bình thường có lẽ mình cũng chẳng thèm để ý nó nói nhưng đến hôm nay như thế, mình quay sang nói luôn: ‘Nếu em tự nhận mình là khách, chị là chủ nhà thì chủ nhà có quyền không tiếp khách và mời em về cho. Em có quyền nói gì chị cũng được nhưng đụng đến bố mẹ chị, thông gia của nhà em thì không xong đâu.
Có lẽ em không biết dạo này chị hay quay clip nấu ăn nên đặt sẵn điện thoại. Tất cả những gì em nói em làm lúc nãy thì điện thoại đã quay lại hết rồi. Về chuyện hôm nay, chị sẽ đưa video cho bố mẹ và anh trai em xem để coi ai mới là người sai".
Những lời cô vợ nói khiến em chồng hết hồn. Vốn định ra uy lên mặt với chị dâu lúc không có ai, bây giờ mọi chuyện đến tai bố mẹ và nhất là anh trai thì chắc chắn sẽ không yên.
Cô em chồng sững mặt, đứng ngẩn ngơ không nói nên lời. Ngay lúc đó, cô chị dâu yêu cầu em chồng xin lỗi. Sau một hồi cắn môi suy nghĩ, cũng biết mình sai nên cô em xin lỗi, xin chị dâu xóa đoạn clip hộ.
Kể từ đó, biết người chị dâu nông thôn nhưng cũng chẳng phải là "quả hồng dễ bóp", cô em chồng chuẩn chỉ hẳn và không dám cạnh khóe như xưa.
Theo An Thanh (Pháp Luật & Bạn Đọc)