Đi làm dâu, 1 trong những điều khiến phụ nữ căng thẳng nhất chính là mối quan hệ với chị em nhà chồng.
Mới đây, mạng xã hội cũng vừa chia sẻ câu chuyện của một nàng dâu khiến nhiều người chú ý với nội dung như sau:
"2 chị chồng em đều sống gần nhà ngoại, chị lớn cách 5km, chị thứ 2 thì lấy chồng ngay trong khu nên hầu như tuần nào cũng về ngoại ăn uống tụ tập. Tất nhiên chị em trong nhà gần gũi, quây quần nhau là tốt nhưng mọi người đều phải có ý thức chung, phân chia việc làm thì mới vui vẻ. Đằng này 2 chị chồng em toàn ỷ mình là chị, về chơi đùn hết việc cho em dâu. Không về thì thôi, về là hạch sách, bắt bẻ em đủ điều".
Nàng dâu này kể rằng, mặc dù cùng là phận phụ nữ đi làm dâu nhưng 2 người chị chồng cô chưa bao giờ biết thông cảm với em dâu của mình. Về nhà là người tung kẻ hứng chê cô đủ đường. Nhất là mỗi khi nhà có công có việc, họ thoái thác nói vợ chồng cô là trưởng phải tự lo liệu, họ là gái đã đi lấy chồng không có trách nhiệm. Bố mẹ ốm cũng chỉ em dâu em trai chăm, có chăng 2 chị chồng chỉ ghé về thăm 1 lúc như người ngoài rồi lại đi. Đó cũng chính là lý do khiến cô dù có cố gắng cỡ nào cũng khó gần gũi được với các chị chồng mình.
"Năm ngoái bố chồng em ốm gần 3 tháng, 2 chị chồng toàn mượn lý do bận không sang chăm ông được ngày nào, vợ chồng em phải gánh hết. Trung tuần tháng 7 này vừa tròn giỗ đầu ông nên mẹ chồng sai em gọi 2 chị ấy về sớm làm cơm thắp hương bố, tiện cúng Rằm cả thể.
Lúc em gọi, 2 chị chồng à ừ rồi cố kèm theo câu: 'Cậu mợ cứ chủ động nấu nướng, các chị phải thu xếp xong việc nhà mới về được'. Nói chung nghe giọng điệu là em đoán được chương trình kiểu gì hôm sau em cũng phải tự làm hết, 2 chị ấy vẫn như mọi khi, bấm đúng giờ ăn mới về.
Đúng như em đoán, hôm sau mình em phải nấu 3 mâm cỗ từ 5h sáng tới 11h trưa mới xong. Lúc em bầy cỗ lên ban để mẹ chồng thắp hương thì 2 chị chồng về nhưng vừa nhìn đồ thắp hương, chị cả liền hỏi: 'Ô hay, nay giỗ đầu bố lại còn là Rằm tháng 7 mà mợ không mua mẫu mã, quần áo đốt biếu ông à?'.
Em giải thích rằng năm nay dịch, cả khu không có nhà nào bán mẫu mã nên thôi cứ cơm canh thắp hương cũng được. Vậy mà chị chồng đỏ mặt bảo em: 'Mợ giỏi lý do lý trấu, làm dâu mà không lo nổi 1 mâm lễ cúng Rằm cho gia tiên nhà chồng thì còn nói làm gì. Chẳng qua là mợ không có tâm chứ thiếu gì cách để mua đủ lễ'.
Cách nói chuyện của chị chồng làm em bức xúc thật sự nên bảo: "Nói thực trước giờ em cũng là đứa tín tâm nhưng với em quan trọng nhất vẫn là tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ khi còn sống'.
Nói rồi em chỉ sang chiếc giường cũ của bố chồng em nằm khi ông còn sống rồi bảo với chị chồng: '3 tháng bố ốm nằm liệt trên giường kia chỉ có vợ chồng em chăm lo. Khi ấy sao em không thấy các chị nhắc tới việc thế nào là có lòng, có tâm. Lúc người không còn nữa, cúng mâm cao cỗ đầy cũng là dâng lên rồi hạ xuống mà thôi'.
Hôm ấy em bực quá nên nói thẳng luôn. Cũng may mẹ chồng em là người hiểu chuyện, bà nghe con dâu nói thế liền chạy ra mắng 2 con gái vô tâm. Bà còn tuyên bố thêm rằng, nếu lần sau nhà có công việc mà 2 chị ấy còn cứ bấm giờ ăn mới về thì thôi khỏi sang làm gì. Lúc ấy 2 chị chồng em mới đỏ mặt, im lặng".
Cảnh làm dâu vốn chẳng bao giờ dễ dàng bởi để xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với anh chị em nhà chồng là cả 1 "thử thách". Đôi khi cũng không phải bản thân cứ cố gắng hết mức mà đã được nhà chồng vui vẻ cho đứng cùng "chiến tuyến". Ngược lại có những lúc phải thẳng thắn thể hiện quan điểm của bản thân để đôi bên hiểu và tôn trọng nhau giống câu chuyện của nàng dâu trên chẳng hạn.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)