Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 30 triệu người lớn, 3 triệu trẻ sơ sinh và 1,2 triệu trẻ nhỏ nhiễm khuẩn huyết trên toàn cầu, trong đó 6 triệu người lớn và 500.000 trẻ sơ sinh tử vong. Tất cả trường hợp nhiễm khuẩn huyết liên quan đến chăm sóc y tế đều có thể phòng ngừa được nếu nhân viên y tế thực hiện tốt các quy trình vô khuẩn bệnh viện.
Chia sẻ tại lễ hưởng ứng chiến dịch vệ sinh tay toàn cầu do WHO phát động với khẩu hiệu "Phòng ngừa nhiễm khuấn huyết trong chăm sóc y tế - trong tầm tay bạn", tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết hoạt động tăng cường vệ sinh tay được bệnh viện đưa lên như một hoạt động chuyên môn những năm qua.
Bệnh viện nhi tuyến cuối của miền Nam hàng ngày phải đương đầu nhiều bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan thành dịch và tử vong cho trẻ như cúm A H5N1, H1N1, tay chân miệng, sởi, thủy đậu... Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng là nơi điều trị những bệnh nhân nặng, phải sử dụng nhiều thuốc kháng sinh. Cải thiện việc tuân thủ vệ sinh tay giúp góp phần nâng cao công tác phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn, giảm mầm mống lây lan các vi khuẩn kháng thuốc.
Trong tháng 5, nhiều bệnh viện lớn tại TP HCM như Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định... cũng phát động phong trào vệ sinh tay. Phó giáo sư Lê Thị Anh Thư, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết việc vệ sinh tay phải được đặt lên hàng đầu. Trên bàn tay của tất cả mọi người luôn có vi khuẩn, virus gây nhiễm khuẩn, có thể gây bệnh lây lan cho người khác nếu không rửa tay.
Đa số các nhân viên y tế hiểu được tầm quan trọng của việc rửa tay nhưng nhiều người chưa có thói quen thực hiện thường xuyên, đặc biệt là ở các bệnh viện quá tải. Nhân viên y tế phải rửa tay trước và sau khi khám bệnh nhân, trước khi làm thủ thuật, sau khi tiếp xúc máu hoặc dịch tiết bệnh nhân, sau khi sờ vào những bề mặt xung quanh. Người nhà chăm sóc bệnh cũng phải thường xuyên rửa tay, không được đụng chạm vào các vết thương.
Theo Lê Phương (VnExpress.net)