Không ăn vải khi bụng rỗng. Quả vải có chất tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm, ngăn ngừa ung thư, tốt cho tim mạch. Tuy nhiên, vải tươi có chứa nhiều đường, khi bụng rỗng nếu ăn vải sẽ kích thích niêm mạc dạ dày và gây đau dạ dày, đầy hơi. Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều vải trong thời gian ngắn sẽ gây ra hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, chân tay bủn rủn. Cách tốt nhất nên ăn vải sau bữa cơm, lúc này trong cơ thể đã tích trữ đủ lượng nước muối qua thức ăn nên ăn cũng không lo bị nóng.
Phụ nữ khi trước và trong kỳ “đèn đỏ” không nên ăn nhiều vải.Trong một vài ngày trước khi diễn ra chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ thường lo âu, trầm cảm, căng thẳng tinh thần do sự mất cân bằng hormone estrogen và progesterone. Do đó, khi đang trong giai đoạn này, chị em cần hạn chế ăn nhiều vải.
Người bị thủy đậu không ăn vải. Khi bị thủy đậu bạn tuyệt đối kiêng đồ nóng, trong đó ăn vải lại dễ gây nóng trong người. Vì bị thủy đậu cơ thể nổi các nốt, để tránh bị bội nhiễm, vỡ nốt, bạn cần tránh ăn vải để bảo vệ bản thân.
Người bị bệnh tiểu đường không nên ăn vải. Vải thiều không phải là hoa quả được khuyến khích cho người bệnh tiểu đường, nhất là phụ nữ mang thai mắc tiểu đường.
Không ăn vải khi cơ thể nhiệt, mắc bệnh có đờm. Vải thiều là loại hoa quả nổi tiếng có tính nóng. Khi cơ thể bị nóng trong, ăn vải thiều sẽ khiến mụn hay những vết ban đỏ xuất hiện.
Không ăn quá 10 quả/lần. Khi ăn vải bạn cần chú ý không ăn quá 10 quả một lúc, nhất là đối với phụ nữ mang thai. Ăn nhiều sẽ khiến gan sinh hỏa, đau rát lưỡi họng, thậm chí nghiêm trọng hơn còn có thể dẫn đến buồn nôn, hoa mắt chóng mặt hay chân tay mỏi rã rời…
Đối với trẻ em, chỉ nên ăn 3-4 quả 1 lần. Nếu ăn cần có sự theo dõi chặt chẽ của người lớn bởi có thể hóc hạt vải rất nguy hiểm
Không bỏ lớp màng trắng và phần trắng trên đầu quả vải. Khi bóc vải ra, ta thấy nó có một lớp màng trắng. Nếu không muốn bị nóng, hãy ăn luôn cả lớp màng trắng này, mặc dù nó có vị hơi chát. Và bạn cũng nhớ ăn luôn cả phần trắng trên đầu hạt vải, những phần đó đều có tác dụng phòng tránh sinh hỏa.
Xử lý khi bị ngộ độc vải
Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, một số người ăn quả vải bị ngộ độc với những triệu chứng người nôn nao, nổi mề đay, đau bụng dữ dội, nôn mửa, ỉa chảy, khó thở huyết áp hạ...
Thực ra, những triệu chứng này gây ra không phải do bản thân quả vải mà là do một loại nấm độc Candida tropicalis thường thấy ở núm những quả vải chín quá, dập nát, ủng thối. Hàm lượng đường, pH, axit trong quả vải là môi trường cần thiết cho nấm phát triển.
Do vải có khả năng nhiễm nấm độc Candida tropicalis nên khi ăn tuyệt đối không ăn những quả dập nát, ủng thối.
Trước khi ăn nên ngâm qua nước muối để tránh ngộ độc. Bạn cũng có thể uống chút nước muối hoặc trà thảo mộc lạnh, hoặc canh bí đao, chè đậu xanh… hoặc cũng có thể ăn 20 - 30g thịt nạc hoặc uống nước canh xương để phòng trừ ngộ độc.
Nếu gặp hiện tượng say vải, nên uống một cốc nước đường để cải thiện sức khỏe, bù đắp lượng đường do insuline trong cơ thể đã tăng lên để hạ nồng độ đường trong máu xuống quá mức.
Ngoài ra, trên thị trường hiện có cả vải của Trung Quốc. Thường thì vải Trung Quốc to hơn vải Việt Nam, kích thước đều, đẹp, vỏ đậm, bóng và căng. Khi nếm thử, bạn sẽ thấy quả vải Trung Quốc có vị ngọt sắc chứ không thanh và thơm như vải Việt Nam.
Theo Minh Ánh (Giadinh.net.vn)