Anh Nguyễn Đình An (35 tuổi, sống tại quận 12, TP.HCM) phát hiện mắc Covid-19 vào ngày 1/12. Trước đó, khi đang làm việc tại công trường, anh cảm thấy đau họng, hơi sốt và khó chịu trong người. Cố gắng về đến nhà, anh test nhanh và cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.
“Tôi đã xác định đi làm lại là khó tránh được Covid-19 nên cũng không sốc. Nhưng trong nhà còn con nhỏ 7 tuổi, nếu lây cho con thì tội nghiệp. Tôi cách ly tại nhà, y tế phường cấp thuốc Molnupiravir, cơm nước có bà xã lo cho. Đến ngày thứ 7, test lại thì âm tính rồi”, anh An chia sẻ.
Đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin Covid-19 và uống thuốc kháng virus ngay từ đầu, anh An không gặp các dấu hiệu chuyển nặng. Tuy nhiên, anh đau người, mệt mỏi như đuối sức và mất ngủ. Anh cho rằng đây là triệu chứng của Covid-19, khỏi bệnh sẽ tự hết. Vậy nhưng, âm tính rồi, giấc ngủ vẫn không thể trở về như ban đầu.
“Tôi đi ngủ như bình thường nhưng đến 1h sáng tự động mở mắt. Có hôm ngủ được đến 2-3h sáng đã thức, vật vờ như vậy đến sáng. Ngày hôm sau cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, nhưng đến tối lại y chang như ban đầu. Không tài nào ngủ lại được”, anh An mệt mỏi kể lại.
Kết thúc 14 ngày cách ly tại nhà, anh An tiếp tục đi làm. Trước đây, anh vẫn tự điều khiển ô tô đến công ty, đi công trường. Thế nhưng từ lúc mất ngủ hậu Covid-19, anh hạn chế cầm lái vì sợ thiếu tỉnh táo, không may xảy ra va chạm.
Quá mệt mỏ và mất sức, anh An tìm đến thuốc ngủ. Không dám sử dụng thường xuyên, mà vài ba ngày, khi cảm thấy không chịu được anh mới dùng thuốc. Giấc ngủ tìm đến dễ hơn nhưng đúng 2h sáng, anh lại tỉnh dậy và chong chong đến sáng. "Giờ này tôi vẫn mất ngủ, có ngủ được cũng không sâu giấc", anh kể.
Thấy tình hình không thể kéo dài, anh An đi khám rối loạn giấc ngủ và thần kinh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Bác sĩ kê cho anh thuốc bổ não và cảnh báo không nên sử dụng thuốc ngủ. Bản thân anh An hiểu rõ, nhưng sau 1 tháng khỏi Covid-19, anh vẫn chưa thể trở về nhịp sống bình thường. Bên cạnh mất ngủ, đôi khi còn bị cảm giác khó thở, thể lực giảm sút.
“Tôi vừa biết các bệnh viện có thêm khoa Hậu Covid-19, tuần sau tôi sẽ đi khám. Bây giờ, phải chịu cảnh vật vờ mệt mỏi. Thanh niên khỏe mạnh còn thế này, không biết người già mắc Covid-19 còn khổ thế nào”, anh An chia sẻ.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Đàn, Trưởng khoa Y học dân tộc, Bệnh viện Thống Nhất, chứng mất ngủ là một trong những biến chứng phổ biến nhất của các rối loạn thần kinh, tâm thần sau giai đoạn cấp Covid-19.
Một khảo sát trong giai đoạn từ 4-12 tuần sau khi mắc Covid-19 cho thấy, người bệnh thường mệt, ho, khó thở, đau đầu, mất ngủ, rối loạn vị giác và khứu giác. Bệnh nhân Covid-19 nội trú có tỷ lệ mất ngủ là 40%, trong khi đó, người ngoại trú là 27%.
Một nghiên cứu ở nước ngoài, với hơn 200.000 bệnh nhân Covid-19 sau 6 tháng mắc bệnh, ghi nhận tỷ lệ mất ngủ thấp hơn. Cụ thể, mất ngủ xảy ra với 5,2% với người không nhập viện, 6% ở người nhập viện, 7,5% với bệnh nhân Covid-19 nằm ở khoa Hồi sức tích cực, 10% ở người bệnh có tổn thương não kèm theo.
“Người bệnh mất ngủ hậu Covid-19 phải khám và điều trị về nhiều mặt để có thể cân bằng lại cuộc sống và công việc”, bác sĩ Đàn cho biết.
Theo bác sĩ Đàn, tình trạng này được giải thích bằng 2 cơ chế của y học hiện đại.
Thứ nhất là mô hình tâm sinh xã hội, mất ngủ hậu Covid-19 không chỉ do virus gây ra mà còn do yếu tố xã hội như kinh tế, tâm lý, văn hóa, sợ hãi, lo âu, căng thẳng… Do vậy, phải quan tâm đến bệnh nhân Covid-19 từ thời gian cách ly, điều trị, cho đến khi đã khỏi bệnh.
Nguyên nhân thứ 2 là mối liên hệ giữa cytokine gây viêm và các rối loạn tâm thần (trầm cảm, lo âu, mất ngủ, rối loạn căng thẳng sau sang chấn). Các cytokine được giải phóng trong giai đoạn nhiễm cấp, tác động lên cấu trúc não bộ và cơ thể, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Ngoài việc điều trị bằng y học hiện đại, bệnh nhân mất ngủ hậu Covid-19 cũng có thể can thiệp bằng phương pháp y học cổ truyền. Các bài thuốc bổ âm, dưỡng khí hay xoa bóp, bấm huyệt... có thể hỗ trợ, cải thiện chứng mất ngủ cho người bệnh.
Theo Linh Giao (VietNamNet)