Theo Tuổi Trẻ dẫn lời TS.BS Trần Quốc Cường - giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cho biết, nồng độ cồn được đo bằng hơi thở hoặc nồng độ trong máu. Khi uống rượu bia càng nhiều thì nồng độ và thời gian giải rượu bia càng lâu, trong đó nam giới hấp thu lượng cồn vào máu chậm hơn nữ giới.
Thông thường mất 60 phút để cơ thể giải một đơn vị cồn, nhưng uống từ 21h và uống 8 lon bia thì cần ít nhất đến 5h hôm sau mới giải hết lượng cồn trong người.
Tương tự, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ trên Sức Khỏe & Đời Sống, không có con số chính xác tuyệt đối cho mọi cá nhân là uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể.
Quá trình này phụ thuộc vào lượng rượu, bia người đó uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân. Từ đó mới có chỉ số nhất định sau bao lâu mới hết nồng độ cồn trong máu.
Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì thông thường sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn. Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ nữa.
Do đó, nếu một người khỏe mạnh, không có bệnh gì thì khi uống 1 đơn vị cơ thể phải mất từ 2-3 giờ mới hết nồng độ cồn trong cơ thể.
Với những người có chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì sẽ mất thời gian lâu hơn.
Một đơn vị cồn tương đương với 2/3 chai, lon bia 330 ml (5%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
"Tốt nhất là không nên uống rượu bia. Nếu có uống, bạn nên hạn chế ở mức nguy cơ thấp. Nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không quá một đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần. Với mức uống như vậy phải mất ít nhất 4 giờ mới có thể lái được xe"- Bà Trang nói.
VTC News đưa tin bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội tư vấn về cách tính thời gian để nồng độ cồn trở về mức âm tính và đó cũng là lúc bạn được phép lái xe sau khi uống bia như sau:
Đối với chai bia 330ml nồng độ cồn tính chung là khoảng 5%. Khi bạn uống chai bia này vào thì làm cho nồng độ cồn trong máu là tăng lên 0,032mg/lít khí thở thời gian an toàn để bạn được lái xe là khoảng 2 giờ sau khi đã uống 1 chai bia đó.
Khi bạn uống 2 chai nồng độ cồn trong máu là 0,065mg/lít khí thở thời gian được lái xe là khoảng 4 giờ sau khi đã uống 2 chai bia đó.
Trường hợp bạn uống 3 chai thì nồng độ cồn trong máu là 0,163mg/lít khí thở thời gian được lái xe là khoảng 11 giờ sau khi đã uống 3 chai bia đó.
Hiện nay, cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn dựa trên phương pháp đo qua ống thở, vì vậy, 24h sau khi uống bạn vẫn có thể bị phát hiện và xử phạt. Trường hợp người nào bị tai nạn giao thông thì khi vào viện, các bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để xác định nồng độ cồn ngay.
Như vậy, ít nhất 24h sau khi uống rượu, bia bạn hãy lái xe, có nghĩa là tối nay bạn uống thì ngày mai đừng lái xe.
Bên cạnh chuyện uống rượu bia, nhiều người băn khoăn về việc khi ăn một số loại trái cây (sầu riêng, nho, vải, nhãn…) hay uống những thực phẩm như xirô, nước trái cây lên men cũng khiến hơi thở cũng có cồn.
Lý giải về vấn đề trên, ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương - trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết việc ăn uống những thực phẩm nêu trên đều làm hơi thở có cồn, đồng thời những vi khuẩn trong khoang miệng lên men cũng "góp phần" gia tăng thêm nồng độ cồn, tuy nhiên lượng cồn này rất thấp, không đáng kể, thông tin trên Tuổi Trẻ.
Theo đó, chỉ cần uống nước, súc miệng trong vòng 10-15 phút thì sẽ không xảy ra phản ứng dương tính nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
HL (Nguoiduatin.vn)