Nghe lời chồng không điều trị, nữ bệnh nhân để bệnh trở nặng rồi qua đời
Bác sĩ Thân Văn Thịnh - Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chia sẻ, trong quá trình tiếp nhận và điều trị những ca mắc ung thư, bác sĩ đã gặp không ít trường hợp vừa đáng thương, vừa đáng trách. Đó là những người từ chối cơ hội sống khi mắc bệnh, hay thậm chí gieo niềm tin không đúng hướng cho những bệnh nhân khác.
Bác sĩ Thịnh đặc biệt ám ảnh về một nữ bệnh nhân mới ngoài 20 tuổi, mắc bệnh ung thư vú ở giai đoạn còn điều trị được. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ đã tư vấn điều trị theo đúng giai đoạn, bởi cô gái tuổi rất trẻ, còn gia đình và những đứa con thơ.
Tuy nhiên, nữ bệnh nhân này nghe lời chồng nên đã từ chối điều trị ở bệnh viện, về nhà chữa bằng thuốc nam. “Sau đó, tôi còn cố gắng thuyết phục bằng cách gọi điện tư vấn, mong bệnh nhân đến viện điều trị vì càng để lâu cơ hội chữa để kéo dài cuộc sống sẽ càng ít. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của tôi đều không thành công”, bác sĩ Thịnh chia sẻ.
Bẵng đi khoảng 9 tháng, nữ bệnh nhân trở lại viện, lúc này người đưa đến là mẹ đẻ chứ không phải chồng. “Tôi bất ngờ lắm, chỉ 9 tháng nhưng nữ bệnh nhân đã thay đổi hoàn toàn. Ngực bệnh nhân đã hoại tử. Tôi cũng không ngờ khối u tiến triển nhanh như vậy”, bác sĩ Thịnh kể lại.
Đau lòng hơn khi bệnh chuyển nặng, người chồng đã ra tòa bỏ vợ, bỏ con khiến cho người vợ chịu cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Trước mặt bác sĩ, bệnh nhân chỉ biết khóc, còn người mẹ đi bên cạnh thì chia sẻ: “Tôi đã bán hết đất đai, nhà cửa, tài sản để đưa con đến chữa bệnh, mong bác sĩ và bệnh viện cứu con tôi”. Lúc đó, bác sĩ Thịnh chỉ biết nói với người mẹ khắc khổ rằng “mọi thứ đã quá muộn rồi”.
Với ca bệnh này, điều ám ảnh nhất với vị bác sĩ phó khoa là câu nói thỏ thẻ, rụt rè như hối lỗi của người mẹ trẻ, rằng: “Em chỉ mong sống tới khi con có có thể nhớ được mặt mẹ”.
Trước nguyện vọng của người mẹ là để con nhớ được mặt, bác sĩ Thịnh vẫn cố gắng điều trị. Ban đầu bệnh nhân đáp ứng tốt, sau đó bệnh tiến triển ngày càng nặng và người mẹ tử vong sau đó vài tháng.
Bệnh của mình phải tự quyết, đừng nghe lời đồn hay xúi giục
Từ ca bệnh trên, bác sĩ Thịnh cho rằng tình trạng bỏ điều trị theo khoa học, đi chữa ung thư theo lời đồn hiện diễn ra rất nhiều. Chính điều này sẽ làm mất đi cơ hội sống và chữa khỏi ung thư của rất nhiều người. Thậm chí có trường hợp phát hiện khối u nhưng họ thẳng thừng từ chối vì sợ đụng dao kéo sẽ nhanh chết. Bác sĩ Thịnh cho biết đây là quan điểm sai lầm.
Một vấn đề khác là việc nhiều người gieo niềm tin sai lệch cho chính những người đồng bệnh của mình, từ đó khiến người bệnh hoang mang, từ chối cơ hội điều trị tốt.
Theo bác sĩ Thịnh, ung thư có nhiều loại và cũng có những loại không điều trị vẫn sống và tiến triển rất chậm (ung thư giáp thể biệt hóa, ung thư tiền liệt tuyến độ ác tính thấp, ung thư da biểu mô tế bào đáy...). Đó là lý do nhiều người tin vào lời đồn uống thuốc lá, không đụng dao kéo sống được lâu hơn.
“Quả thật, tôi biết có trường hợp mắc ung thư tuyến giáp gần 10 năm vẫn sống, mặc dù từ lúc phát hiện đến giờ cổ bệnh nhân đã to lên rất nhiều. Nhiều “thầy lang” dựa vào đây để nói rằng nhờ thuốc của họ mà bệnh nhân sống được và không ít người tin đó là sự thật. Tuy nhiên, ít ai biết được u tuyến giáp phát triển rất chậm, không cần điều trị vẫn sống vài năm, thậm chí cả chục năm. Còn ung thư phổi, gan, nếu phát hiện không điều trị thì chỉ một thời gian ngắn sẽ di căn, tử vong”, bác sĩ Thịnh phân tích.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân hãy tỉnh táo và đưa ra quyết định đúng đắn trước mạng sống của mình, đừng vì tin đồn, thông tin sai lệch mà thiệt thân.
Hiện nay, dù tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam vẫn cao, nhưng bằng những tiến bộ vượt bậc của khoa học trong y học, cũng như trình độ chuyên môn cao của đội ngũ cán bộ y tế chuyên sâu nên hơn 1/3 số trường hợp ung thư có thể chữa khỏi, 1/3 khác có thể kéo dài thời gian sống và 1/3 còn lại có thể được nâng cao thể trạng để giảm các biến chứng của ung thư. Đặc biệt, nếu được phát hiện sớm ung thư, cơ hội khỏi bệnh sẽ rất cao.
Theo Lê Phương (Phụ Nữ Việt Nam)