Không phải tự nhiên dứa lại được nhiều chị em ưa chuộng đến vậy. Theo các chuyên gia, dứa không chứa chất béo và protein nhưng lại chứa nhiều chất xơ hỗ trợ quá trình tiêu hóa, mang đến cảm giác no lâu và giảm cảm giác thèm ăn.
Bên cạnh đó chất xơ trong dứa còn tham gia vào quá trình giải phóng và hấp thu carbonhydartes, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa năng lượng và ngăn chặn sự tích lũy chất béo.
Không những thế, một quả dứa chứa đến 80% nước và rất giàu vitamin C nên ăn dứa mỗi ngày còn giúp cung cấp nước và các vitamin, giúp thanh lọc cơ thể, chống lão hóa, giảm căng thẳng mệt mỏi và tăng cường sức khỏe hiệu quả.
Tuy nhiên, theo lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều mỗi lần. Liều lượng thích hợp nhất là mỗi người 1 tuần không ăn quá 2 quả dứa.
Giải thích về điều này, chuyên gia cho rằng trong dứa có chất serotonin có khả năng gây co thắt huyết quản mạnh, làm huyết áp tăng cao. Ăn quá nhiều một lúc có thể bị đau đầu, choáng váng.
Chất glucoside trong dứa có tác dụng kích thích mạnh với niêm mạc miệng, thực quản, khi ăn quá nhiều còn khiến chúng ta cảm thấy tê bì ở lưỡi, cổ họng. Do đó, với người khỏe mạnh bình thường cũng không nên ăn nhiều dứa một lúc.
Việc ăn quá nhiều dứa, đặc biệt là ăn trong lúc bụng đói người sẽ luôn có cảm giác lao đao, choáng váng giống như bị say. Ăn nhiều trong thời gian dài có nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản, tổn thương dạ dày và đau dạ dày mãn tính.
Cách ăn rất đơn giản nhất là gọt vỏ, thái lát hoặc miếng vừa ăn, ngâm với nước muối loãng 30 phút sau đó rửa lại bằng nước sôi nguội và thưởng thức.
Ăn dứa cả miếng sẽ tốt hơn uống nước ép dứa vì khi ăn, tuyến nước bọt tiết ra nhiều hơn và dạ dày bạn thu được nhiều dịch hơn. Do đó tạo cảm giác no giả.
Đồng thời, khi bạn nhai, dạ dày co bóp khỏe hơn nên năng lượng cũng tiêu hao nhiều.
Với những người muốn giảm cân, tuyệt đối không được uống nước ép vào sáng sớm khi bụng rỗng để tránh ảnh hưởng đến dạ dày.
Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể, phù hợp tình trạng sức khỏe, cơ địa… của mình.
Theo M.H (Giadinh.net.vn)