Tưởng rối loạn tiêu hóa, thanh niên 30 tuổi bất ngờ nhận kết quả ung thư

30/07/2022 15:03:30

Mới 30 tuổi, chưa lập gia đình, anh S rất bất ngờ khi nhận kết quả mắc ung thư đại trực tràng.

Nam bệnh nhân M.Đ.S (30 tuổi, ở Hà Giang) thường xuyên cảm thấy đau bụng nhưng chỉ nghĩ đơn giản là rối loạn tiêu hóa. Anh S. cũng không có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ với suy nghĩ chủ quan rằng “còn trẻ, làm gì có chuyện bị ung thư”. Đến khi tình trạng đau bụng hạ vị xuất hiện nhiều, rối loạn phân (lúc lỏng, lúc táo), phân nhầy máu, sút cân, người mệt mỏi, anh mới đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thăm khám. 

Tưởng rối loạn tiêu hóa, thanh niên 30 tuổi bất ngờ nhận kết quả ung thư
Bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân

Bệnh nhân được làm các cận lâm sàng, qua kết quả nội soi đại trực tràng cho thấy hình ảnh khối u đại tràng sigma. Bệnh nhân được sinh thiết u làm chẩn đoán, kết quả giải phẫu bệnh là tổn thương ác tính, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư đại tràng Sigma. Anh S. được yêu cầu khẩn trương nhập viện phẫu thuật. Người bệnh vô cùng sốc vì anh mới chỉ 30 tuổi, chưa lập gia đình. Anh còn quá trẻ và có lẽ chưa bao giờ nghĩ mình lại mắc ung thư sớm như vậy. Sau ca phẫu thuật, hiện sức khoẻ bệnh nhân ổn định và được chăm sóc hậu phẫu tại khoa Ung bướu bệnh viện.

Theo thống kê của Globocan 2020, tại Việt Nam, trong 5 loại ung thư phổ biến ở nam giới, ung thư đại trực tràng xếp thứ 4, sau ung thư gan, phổi, dạ dày. 5 loại ung thư này chiếm khoảng 66% tổng các ca ung thư. Ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ chữa khỏi lên tới 90%. Nhiều người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh. Hầu hết bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn đầu có những dấu hiệu sớm nhưng không được chú ý vì vậy nhiều trường hợp chẩn đoán, phát hiện bệnh khi đã tiến triển đến ở giai đoạn muộn, gây khó khăn trong việc điều trị. 

Bệnh viện K (Hà Nội) cũng đưa ra những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư đại trực tràng sớm: 

Chán ăn, đầy bụng: khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân. Người có bệnh ung thư đại trực tràng sẽ thường xuyên xuất hiện các cơn đau đáng kể ở bụng. Đau bụng được biểu hiện bằng các triệu chứng khó chịu ở vùng dạ dày. Từ đó gây ảnh hưởng và khó chịu ở toàn bộ vùng bụng, phổ biến là người bệnh bị mệt mỏi phờ phạc và đau bụng từng cơn. 

Cân nặng giảm bất thường: Nếu cơ thể giảm cân bất thường, không rõ nguyên nhân, bạn cũng không nên coi thường. Rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa. 

Táo bón: Nếu đi ngoài ít hơn 3 lần trong một tuần, bạn đã mắc chứng táo bón. Triệu chứng này có thể xuất hiện ở những bệnh lý đường tiêu hóa thông thường khác, tuy nhiên cũng không nên bỏ qua bởi điều này cảnh báo cho bệnh ung thư đại trực tràng đang xâm lấn cơ thể bạn.  

Đi ngoài phân nhỏ: Đi ngoài phân nhỏ là một dấu hiệu chứng tỏ trên đường đào thải ra bên ngoài phân của bạn đã gặp phải những vật cản khác trong đường tiêu hóa, làm cho hình dạng và kích cỡ của phân bị biến dạng, thay đổi. Những vật cản đó có thể là các khối u đang được hình thành trong ruột kết. 

Đi ngoài kèm máu: Khi phân đi qua khối u không chỉ làm cho chúng thay đổi về kích cỡ mà chúng còn gây nên hiện tượng chảy máu. Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư trực tràng.

Mệt mỏi và căng thẳng, chóng mặt:  Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân. 

Co thắt dạ dày: Nếu những cơn co thắt đó đi kèm cảm giác đau thì có thể khối u đã đi chọc vào thành ruột và hình thành nên bệnh ung thư đại trực tràng một cách nghiêm trọng.  

Cũng theo thông tin từ Bệnh viện K, loại ung thư này có liên quan chặt chẽ với chế độ dinh dưỡng và khi được phát hiên sớm bệnh có tỷ lệ được chữa khỏi cao. Những người có tiền sử mắc bệnh polip đại trực tràng, đặc biệt là đa polip có tính chất gia đình nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng gấp trên 10 lần so với người bình thường. Chế độ ăn không hợp lý nhiều chất béo, ít chất xơ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Các bệnh viêm nhiễm đại trực tràng lâu ngày như viêm loét đại trực tràng chảy máu cũng thấy có liên quan đến ung thư đại trực tràng. 

Theo PV (VietNamNet)

Nổi bật