Sara Stelzer là một nữ sinh xinh đẹp, thông minh và chăm chỉ. Dấu hiệu bệnh ban đầu của cô giống như triệu chứng của cảm cúm, với biểu hiện như đau đầu, buồn ngủ, mệt mỏi. Do chủ quan, cô không đi khám ngay mà chỉ xin thuốc của nhà trường để uống.
Một ngày sau, cô bị nổi mẩn những nốt tím đỏ, ngất xỉu và được đưa đến bệnh viện. Sau khi được đưa tới bệnh viện, cô đã rơi vào tình trạng hôn mê.
Qua thăm khám và các kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán Sara bị viêm màng não do vi khuẩn. Mặc dù đội ngũ y tế đã truyền kháng sinh ngay nhưng đã quá muộn, nhiễm trùng lan đến não và tủy sống của cô trước khi được điều trị, khiến cô đột quỵ. Ngay sau đó, Sara đã chết não hoàn toàn.
Được biết, viêm màng não do vi khuẩn bắt nguồn từ nhiễm trùng do vi khuẩn là một dạng nhiễm trùng ở các lớp mô quanh não bộ và tủy sống và thường do vi khuẩn HI, phế cầu, mô cầu hoặc do virut, ký sinh, nấm gây ra.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh
Dấu hiệu ban đầu của bệnh thường không được rõ ràng. Ở người lớn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Triệu chứng của viêm màng não như: sốt, đau đầu, cứng gáy, sợ ánh sáng, buồn nôn, nôn, lơ mơ, lú lẫn, hôn mê cấp tính trong vài giờ đến vài ngày hoặc có thể kéo dài hàng tuần. Nếu phát hiện một trong những biểu hiện trên đây cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để làm xét nghiệm và đưa ra hướng điều trị kịp thời.
Ai có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não do vi khuẩn?
Trẻ em trong độ tuổi từ 1 tháng đến 2 tuổi dễ bị viêm màng não do vi khuẩn nhất.
Người lớn có nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất là những người nghiện rượu, bị nhiễm trùng mũi và tai mãn tính, chấn thương đầu hoặc bị viêm phổi phế cầu khuẩn.
Ngoài ra, những người cũng có nguy cơ cao hơn nếu có hệ miễn dịch suy yếu, người cắt bỏ lá lách, người dùng corticosteroid do suy thận hoặc có bệnh tế bào hình liềm hoặc người đã phẫu thuật não hoặc cột sống hay đã bị nhiễm trùng máu lan rộng.
Phòng ngừa bệnh viêm màng não do vi khuẩn
- Người lớn và trẻ em nên rửa tay sau khi ho và hắt hơi, trước khi ăn hoặc khi tay bẩn.
- Không nên dùng chung bát hoặc uống chung cốc hay bất kỳ vật dụng nào có khả năng lây truyền dịch mũi họng.
- Tiêm văc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch.
Theo M.H (Giadinh.net.vn)