Vào cuối tuần, Julia Chavez cảm thấy không khỏe, đau tai và nhức đầu. Cô bé được bố mẹ đưa đến bệnh viện ở Columbia, Mỹ. Sau khi chụp chiếu và xét nghiệm máu, các bác sĩ kết luận, Julia bị ung thư máu.
Theo The Sun, cha của cô bé, Dennis Lee Chavez, cho biết, Julia bị xuất huyết não, phổi và dạ dày. “Mọi chuyện diễn ra quá nhanh, quá khắc nghiệt. Các bác sĩ nói rằng bệnh khó phát hiện sớm”, ông Chavez kể.
Ngoài đau tai và đau đầu, trước đó, Julia thỉnh thoảng bị thâm tím người. Tuy nhiên, gia đình không bận tâm vì cô bé khá hiếu động. "Khi con bị bầm tím, chúng tôi hỏi tại sao bị như vậy và Julia nói: ‘Con không biết'. Chúng tôi nghĩ, do con có một chút tinh nghịch”, người bố tâm sự.
Julia chưa bao giờ bị ốm nặng, đôi khi sụt sịt. Em muốn trở thành nghệ sĩ và yêu thích văn hóa Nhật Bản. Cô bé luôn dành sự ưu tiên cho gia đình và yêu thương người thân.
Theo Qũy Hỗ trợ Ung thư Macmillan, ung thư máu hay còn gọi là bệnh bạch cầu (máu trắng) là tên gọi chung của một nhóm các bệnh máu ác tính. Bệnh được đặt tên theo loại tế bào bạch cầu bị ảnh hưởng và tính chất mạn tính hay cấp tính.
Bệnh bạch cầu cấp tính xảy ra đột ngột, thường trong vài ngày hoặc vài tuần, tiến triển nhanh chóng và cần được điều trị khẩn cấp. Loại mạn tính phát triển chậm hơn, thường trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Các chuyên gia giải thích, bệnh bạch cầu cấp tính có nhiều khả năng gây ra các triệu chứng xuất hiện trong vài tuần và mọi người sẽ cảm thấy suy sụp khá nhanh.
Một số triệu chứng bao gồm nhợt nhạt, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, lâng lâng, đánh trống ngực (cảm thấy tim đập nhanh), đau họng, miệng, sốt, bầm tím không rõ nguyên nhân, chảy máu cam, nướu răng, phát ban trên da, kinh nguyệt ra nhiều.
Người bệnh cũng có thể bị đổ mồ hôi ban đêm, giảm cân không rõ nguyên nhân, đau nhức và rối loạn thị giác.
Hiện giới chuyên môn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh bạch cầu cấp. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bao gồm nhiễm xạ, sử dụng một số hóa chất, bệnh bẩm sinh (Down), bệnh lý tiền ung thư (hội chứng rối loạn sinh tủy), một số virus như HLLV-I.
Các phương pháp điều trị bao gồm hóa trị liệu, ghép tế bào gốc tạo máu, điều trị nhắm đích.
Theo An Yên (VietNamNet)