Chị Nguyễn Thu Phương (34 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) rất sợ mùa đông vì đôi bàn tay lúc nào cũng lạnh toát. Với công việc là nhân viên kinh doanh thiết bị y tế, chị phải đi gặp gỡ đối tác nhiều nhưng khi cần bắt tay, chị đều cảm thấy tự ti.
Vũ Thị Hà (29 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết dù nằm ngủ cả đêm trong chăn ấm, hai bàn tay, hai bàn chân vẫn lạnh toát.
Bác sĩ Hoàng Sầm, Chủ tịch Viện y học Bản địa Việt Nam, cho biết tay chân lạnh không phải là bệnh nguy hiểm nhưng gây phiền toái. Tình trạng này là do máu ngoại vi không đủ cung cấp cho vùng tay chân.
Bình thường, tay chân của con người có các mạch máu nhỏ và dây thần kinh li ti ở phía xa như ngón tay và ngón chân. Tim bơm máu đi khắp cơ thể, kể cả những mạch máu nhỏ ở xa. Việc vận động đi đứng co bóp các tĩnh mạch và động mạch, giúp đẩy máu đi xa và thường xuyên hơn làm ấm cả bàn tay, bàn chân.
Về mùa đông, các mạch máu nhỏ này co lại khiến cho máu đến chân và tay ít đi, gây ra triệu chứng bàn tay và bàn chân bị lạnh. Với người gầy ốm, ít mỡ, tay chân càng dễ bị lạnh do ít có mỡ cách nhiệt và giữ nhiệt hơn. Những người mắc các bệnh về thần kinh mạch máu hay thần kinh ngoại biên như tiểu đường cũng dễ bị lạnh tay chân hoặc tê như kim chích do dây thần kinh tổn thương.
Bác sĩ Sầm cho biết triệu chứng bàn tay, bàn chân lạnh đơn thuần không phải là bệnh nên khó điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, trong trường hợp bàn chân, bàn tay lạnh kèm theo triệu chứng lạnh ở dọc cột sống lưng, bạn cần đến khám bác sĩ vì có thể dấu hiệu bệnh lý khác.
Cũng theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, một số người có thể có bàn chân và bàn tay lạnh hơn bình thường, không mắc bệnh lý nào. Nhiều người thường khắc phục tình trạng này bằng cách ngâm nước ấm, ủ ấm cơ thể. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ có giá trị tức thời không thể điều trị triệt để.
Vì vậy, chuyên gia này cho biết biện pháp duy nhất là là massage tay và chân mỗi tối trước khi đi ngủ một tiếng để máu lưu thông về bàn tay, ngón tay. Tuy nhiên, biện pháp này cần phải thực hiện kiên trì, thời gian rất dài có thể 1 đến 2 năm.
Về quan niệm tay chân lạnh là dấu hiệu của thận yếu, bác sĩ Vũ khẳng định đây là suy nghĩ sai lầm. Tuy nhiên, người cao tuổi, có bệnh nền gặp phải tình trạng này cần được thăm khám chuyên khoa để tìm nguyên nhân. Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm động mạch, tĩnh mạch để tìm ra các bệnh lý về cục máu đông hay xơ vữa động mạch, đưa ra các bài tập vật lý trị liệu hoặc tập thể dục để cải thiện dòng chảy của máu đến tay chân.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)