Theo thông báo chi tiết hơn, các bác sĩ đã phát hiện khối u tuyến tiền liệt khi khám cho ông Biden (82 tuổi) vào tuần trước, sau khi ông gặp các triệu chứng tiết niệu ngày càng tăng. Đáng lưu ý, vào ngày 16/5, ông được chẩn đoán cụ thể là ung thư tuyến tiền liệt đã di căn tới xương. Hiện các phương án điều trị đang được xem xét.
Trên thực tế, ung thư tuyến tiền liệt (hay còn gọi là ung thư tiền liệt tuyến) đang là mối quan tâm sức khỏe lớn của nam giới. Dữ liệu Globocan năm 2020 cho thấy đây là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở nam giới toàn cầu với hơn 1,4 triệu ca mắc mới. Tại Việt Nam, bệnh cũng đứng thứ 5 về tỷ lệ mắc ở nam giới, ghi nhận hơn 6 nghìn trường hợp mới hàng năm.
Các bác sĩ Bệnh viện K giải thích, ung thư tuyến tiền liệt bắt nguồn từ tuyến tiền liệt, một tuyến nhỏ nằm dưới bàng quang, phía trước trực tràng, bao quanh niệu đạo và là một phần quan trọng của hệ sinh sản nam giới. Đây là một dạng ung thư khá nguy hiểm do có khả năng di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể, đặc biệt là xương và hạch bạch huyết. Khi bệnh tiến triển, nó gây ra đau đớn, khó khăn khi đi tiểu, ảnh hưởng đời sống tình dục và gây rối loạn chức năng cương dương.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh?
Bất kỳ nam giới nào có tuyến tiền liệt đều có nguy cơ mắc căn bệnh này. Nguy cơ tăng đáng kể theo tuổi tác, đặc biệt là sau tuổi 50. Tiền sử gia đình (có người thân mắc bệnh) là một yếu tố rủi ro quan trọng, bên cạnh đó, thừa cân, béo phì, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động hoặc uống quá nhiều rượu cũng được cho là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến tiền liệt
Các chuyên gia nhận định, ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm thường diễn ra âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, nam giới cần hết sức cảnh giác với những dấu hiệu cảnh báo sau đây, bởi chúng có thể là tín hiệu sớm từ cơ thể:
- Rối loạn tiểu tiện: Cảm giác đi tiểu không hết, vẫn còn sót lại nước tiểu sau khi tiểu xong.
- Tia nước tiểu yếu: Không còn mạnh và nhanh như trước đây.
- Thay đổi thói quen tiểu tiện: Tiểu không tự chủ, bí tiểu cấp tính (không thể đi tiểu được), hoặc đi tiểu đêm nhiều lần bất thường.
- Có máu trong nước tiểu.
Khi tế bào ung thư đã lan tỏa hoặc đã có di căn, các triệu chứng sẽ trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn:
- Đau ở cột sống hoặc vùng xương chậu.
- Có máu trong tinh dịch hoặc cảm giác đau rát khi xuất tinh.
- Phù nề chi dưới.
- Gầy sút cân không rõ nguyên nhân, thiếu máu, thậm chí suy thận.
Làm thế nào để phát hiện sớm?
Việc phát hiện sớm đóng vai trò then chốt trong việc điều trị thành công ung thư tuyến tiền liệt. Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các phương pháp chẩn đoán sớm bao gồm xét nghiệm máu định lượng PSA (một loại protein do tuyến tiền liệt sản xuất) và khám trực tràng (DRE) để kiểm tra cảm giác bất thường của tuyến tiền liệt.
Nếu có nghi ngờ, các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu hơn sẽ được thực hiện như sinh thiết (lấy mẫu mô), siêu âm, chụp MRI hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
Để chủ động phát hiện nguy cơ, các chuyên gia khuyến cáo nam giới từ 50 tuổi trở lên nên thực hiện tầm soát ung thư tuyến tiền liệt định kỳ. Việc tầm soát này đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh, có các vấn đề về hệ niệu đạo, hay gặp các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, rối loạn cương dương hoặc phát hiện máu trong tinh dịch.
QT (SHTT)