Michael Dumas (đến từ Memphis, Tennessee, Mỹ) đã đi chơi biển cùng bạn bè ở Florida vào tháng 6. Họ cùng nghỉ ngơi và vui chơi tại bãi biển Pompano. Vài ngày sau, những dấu tích như những vết thương gợn sóng đã bao phủ khắp chân phải của cậu.
Kelli, mẹ của cậu bé, vội vã đưa con trai đến phòng cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán cậu đã bị nhiễm giun ký sinh trùng có tên gọi là giun móc, đang sinh sối dưới da chân của cậu. Ngay sau đó, bà mẹ này đã chia sẻ câu chuyện về con trai mình để cảnh báo tất cả các bậc phụ huynh về ký sinh trùng và ngăn chặn tình huống tương tự xảy ra với con cái mình.
Keli cho biết, sau vài ngày đi chơi biển về, con trai cô liên tục phàn nàn chuyện cảm thấy mệt mỏi và đau tai. Ngay sau đó, cậu bị phát ban ở đùi phải cùng những vết thương gợn sóng trên chân phải. Phải khi vào khoa cấp cứu, Michael mới biết mình nhiễm ký sinh trùng mang tên giun móc.
Theo Cdc, người bị nhiễm giun móc ở mức độ nhẹ có thể không có triệu chứng. Nhưng nếu nhiễm trùng nặng, bạn thường có các triệu chứng như phát ban da, mệt mỏi, tiêu chảy và chán ăn. Trứng giun móc được tìm thấy trong phân của người nhiễm bệnh. Nếu một người nhiễm bệnh đi ra ngoài, hoặc phân của người đó được sử dụng làm phân bón thì trứng giun có thể nở trong đất hoặc cát.
Hầu hết chúng ta đều có khả năng bị nhiễm giun móc nếu đi bộ chân đất lên vùng đất bị ô nhiễm. Các bác sĩ cho rằng, Michael bị nhiễm gin móc sau khi chôn vùi ưới cát ở bãi biển Pompano, nơi trứng giun móc nở. Michael không phải là người duy nhất trong nhóm cậu bị nhiễm bệnh. 4 người bạn đi cùng cũng có những triệu chứng tương tự.
Các bác sĩ nhận định, trong cơ thể Michael có rất nhiều giun, mỗi con dài khoảng 7,6 cm, sống ngay dưới da. Mẹ cậu đã tốn hơn 1.300 USD, tương đương hơn 30 triệu VND để mua thuốc kháng sinh, thuốc chống ký sinh trùng và steroid, đồng thời gặp thêm chuyên gia da liễu để chạy chữa.
Hiện tại, Michael không thể xỏ giày và phải ngâm vùng chân bị nhiễm giun móc vào nước thuốc tẩy mỗi ngày. Trong một bài đăng trên Facebook bao gồm một số hình ảnh đồ họa chân của con trai mình với làn da đỏ, nhăn nheo, Kelli viết rằng con trai cô vẫn tiếp tục phải chịu đau đớn hơn 1 tháng sau chuyến đi. Bà mẹ này cũng đã gọi cho Sở Y tế thành phố Pompano Beach để kể cho họ nghe chuyện gì đã xảy ra với Michael. Thói quen vùi mình trong cát khi đi chơi biển, hoặc đơn giản là không xỏ giày, dép… khi đi biển đều có khả năng khiến bạn bị nhiễm ký sinh trùng.
Giun móc có thể xâm nhập vào cơ thể dễ dàng khi tiếp xúc trực tiếp với da người
Theo TS Từ Ngữ (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam), giun móc có tên khoa học là Ancylostoma duodenale. Giun móc có màu trắng sữa hoặc hơi hồng hoặc màu đỏ nâu tuỳ thuộc trong ruột giun có máu hay không.
Trứng giun ở môi trường, gặp nhiệt độ 25-35 độ C sau 1 ngày sẽ phát triển thành ấu trùng. Nhiệt độ càng thấp thì thời gian phát triển càng dài. Ấu trùng sống trong phân hoặc đất phát triển đến kích thước khoảng 0,5-0,7mm, có khả năng xâm nhập vào cơ thể người qua da và niêm mạc.
Ấu trùng giun móc xâm nhập vào cơ thể người qua da, niêm mạc (kẽ ngón chân, cẳng chân...) theo tĩnh mạch về tim, phổi. Ở phổi, ấu trùng phát triển rồi lên họng hầu và được nuốt lại xuống ruột, ký sinh ở tá tràng và phát triển thành giun móc trưởng thành. Ấu trùng giun móc cũng có thể vào cơ thể qua đường ăn uống do thức ăn, nước có nhiễm ấu trùng. Tuy nhiên, bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
Khi ấu trùng giun móc chui qua da, thường phát hiện thấy ở vùng da của mu bàn chân, các kẽ ngón chân, ngón tay; ấu trùng gây ra những nốt mẩn đỏ, ngứa ngáy rất khó chịu với biểu hiện của triệu chứng viêm da. Khi bị nhiễm giun móc, người bệnh thường có biểu hiện xuất hiện ban đỏ, phù nề, sau đó thành nốt mọng nước. Diễn biến lâm sàng thường xảy ra 3-5 ngày rồi tự biến mất nhưng cũng có thể kéo dài 2 tuần.
"Để phòng ngừa nhiễm giun móc cũng như nhiễm bất cứ loại ký sinh trùng nào, chúng ta cần hạn chế nguồn bệnh, xử lý tốt nguồn phân thải, giáo dục ý thức vệ sinh, kiến thức phòng bệnh cho mọi người, tránh phóng uế bừa bãi ra ngoài đất. Có thể rắc vôi bột, muối vào những chỗ đất có khả năng bị ô nhiễm nặng", TS Từ Ngữ khuyên.
Theo Tiểu Nguyễn (Helino)