Trứng thường được nhiều người lựa chọn cho các bữa ăn, bởi trứng không chỉ giàu protein mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Trứng thường an toàn với tất cả mọi người. Với phụ nữ đang mang thai, trứng càng được ưa chuộng vì là món dễ ăn lại bổ dưỡng với cả mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, nhiều người có quan điểm trong thai kỳ ăn trứng ngỗng sẽ tốt hơn trứng gà. Điều này liệu có đúng hay không? Trứng gà và trứng ngỗng, loại nào tốt hơn? Hãy cùng tìm hiểu giá trị dinh dưỡng của trứng ngỗng và trứng gà.
Trứng ngỗng có bổ hơn trứng gà?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì trọng lương của trứng ngỗng nặng gấp 4 lần trứng gà, tuy nhiên giá trị dinh dưỡng lại kém xa.
Cụ thể, trong 100 gam trứng ngỗng có khoảng: 13 gam protein, 14,2 gam lipid, 360 mcg vitamin A, 71 mg calxi; 210 mg phosphor; 3,2 mg sắt; 0,15mg vitamin B1, 0,3mg vitamin B2, 0,1mg vitamin PP…
So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%) nhưng lại có lượng lipid cao hơn (tỷ lệ lipid trong trứng gà là 11,6%). Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (360 mcg so với 700 mcg trong trứng gà), đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai.
Ngoài ra, trứng ngỗng có nhiều cholesterol và giàu lipid là những chất không tốt cho sức khỏe và hệ tim mạch của phụ nữ mang thai bị thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tiểu đường, cao huyết áp...
Về an toàn vệ sinh thực phẩm thì trứng gà sạch hơn trứng ngỗng. Lý do vì gà đẻ trứng ở nơi khô ráo, nơi ít có vi khuẩn và ký sinh trùng. Vì vậy trứng gà hạn chế lây nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng hơn trứng ngỗng.
Trứng ngỗng có thực sự tốt cho bà bầu?
Thực tế, trứng ngỗng ăn không ngon và không được ưa chuộng như các loại trứng gà, trứng vịt, trứng cút nên rất ít người ăn, chủ yếu là phụ nữ mang thai. Giá một quả trứng ngỗng rất đắt, có khi bằng cả chục trứng gà do ít người mua dùng, phần lớn trứng đều được ấp để nuôi ngỗng lấy thịt.
Nhiều người phụ nữ quan niệm rằng khi có thai ăn nhiều trứng ngỗng thì thai phát triển khỏe mạnh, thông minh. Trao đổi với Dân Trí, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết điều đó không đúng. Mỗi loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khác nhau - không có loại thực phẩm nào là hoàn thiện đủ các chất dinh dưỡng. Vì vậy cần ăn đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày để bổ sung các chất dinh dưỡng cho nhau.
Mỗi loại thực phẩm chỉ nên ăn 3 lần/tuần, phụ nữ mang thai không nên lạm dụng ăn trứng ngỗng, vì giá thành đắt, khó khăn, khó tiêu. Nếu bồi bổ bằng trứng gà cùng với chế độ ăn hàng ngày hợp lý cũng đã cung cấp đủ các thành phần dinh dưỡng cho thai phụ, bác sĩ Tiến cho biết.
Theo chuyên gia, hiện nay chưa có một nghiên cứu nào chứng minh ăn trứng ngỗng sẽ sinh con thông minh hơn. Trẻ em thông minh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng của người mẹ, bổ sung viên sắt/ acid folic trong thời gian mang thai, yếu tố di truyền, môi trường sống và giáo dục sau này... chứ không phụ thuộc vào ăn nhiều trứng ngỗng hay không.
Ba tháng cuối thai kỳ, bà bầu hạn chế ăn quá mặn bởi ảnh hưởng đến huyết áp thai kỳ.
Những lưu ý khi ăn trứng
Không ăn quá 3 quả trong 1 ngày
Trong trong lòng đỏ trứng gà, vịt chứa khá nhiều chất béo và cholesterol. Mỗi quả trứng trung bình 17g chứa tới 220mg cholesterol và nhiều chất béo, chủ yếu là axít bão hòa. Cơ thể không nên hấp thụ quá 300 miligram cholesterol mỗi ngày.
Nếu chỉ cần ăn hai lòng đỏ trứng mỗi sáng đã vượt xa lượng cholesterol được phép hấp thu, chưa kể các nguồn thực phẩm khác trong bữa ăn hàng ngày.
Thành phần chủ yếu của trứng gà gồm có anbumin và ovoglobumin, là protein hoàn toàn, được cơ thể hấp thu 99,7%, sau khi ăn vào sẽ tạo ra nhiệt lượng “siêu hạng”. Trứng gà là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao tuy nhiên không phải ai ăn cũng đều tốt cho sức khỏe. Nhiều người đang bị bệnh thường dùng trứng gà để bồi bổ tuy nhiên việc ăn trứng có thể gây trúng độc hoặc làm bệnh biến chứng nặng hơn.
Vì thế tốt nhất không nên ăn quá 3 lòng đỏ quả trứng gà mỗi tuần, còn lòng trắng trứng thì có thể không hạn chế vì rất tốt cho sự phát triển cơ bắp.
Không uống sữa đậu nành khi ăn trứng
Protein trong trứng sẽ kết hợp với trypsin trong sữa đậu nành cản trở quá trình phân hủy và hấp thụ protein trong cơ thể. Buổi sáng, mọi người thường có thói quen ăn trứng kết hợp với uống sữa đậu nành mà không biết rằng, protein trong trứng sẽ kết hợp với trypsin trong sữa đậu nành, gây cản trở quá trình phân hủy và hấp thụ protein trong cơ thể.
Không nên cho bột ngọt vào trứng
Nhiều bà nội trợ có thói quen cho bột ngọt vào khi đánh trứng để chuẩn bị làm món trứng chiên. Về mặt dinh dưỡng, đây là một sai lầm. Ở nhiệt độ cao, các chất natri, acid glutamic, chất clo hóa… trong trứng kết hợp và tạo thành muối natri của acid glutamic.
Chất này cũng là thành phần chủ yếu của bột ngọt. Do vậy, việc cho thêm bột ngọt khi chế biến trứng sẽ làm phá vỡ kết cấu của các nguyên tử muối natri tự nhiên, từ đó làm giảm hàm lượng dinh dưỡng của trứng.
Trứng gà đã chín để qua đêm cần bỏ ngay
Nếu trứng gà được luộc chín lòng đào nhưng sau khi để qua đêm thì chất dinh dưỡng trong đó sản sinh ra vi khuẩn.
Nếu ăn phải trứng gà biến chất như thế sẽ có hại cho sức khỏe. Do khi luộc trứng gà, protein đã bị phá hỏng, lại để qua đêm, vì vậy giá trị dinh dưỡng sẽ giảm thấp rất nhiều.
PN (SHTT)