Dưới đây là một số triệu chứng rối loạn giấc ngủ bạn nên lưu ý:
Chứng ngưng thở lúc ngủ
Nancy Foldvary-Schaefer, Giám đốc Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ tại Phòng khám Cleveland (Mỹ), cho hay: "Chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến 25% dân số, ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Tuy nhiên, khi tới tuổi mãn kinh, tỷ lệ phụ nữ bị chứng bệnh này ngang với đàn ông”.
Các bác sĩ nhận định, chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến một loạt các tình trạng sức khỏe nguy hiểm. Jonathan Jun, chuyên gia về phổi và y học giấc ngủ, giải thích: “Chứng ngưng thở khi ngủ xuất hiện khi các cơ đường thở trên giãn ra trong khi ngủ và chèn ép đường thở, khiến bạn không nhận đủ không khí".
“Bệnh nhân có thể ngừng thở trong 10 giây hoặc hơn rồi mới bắt đầu thở lại. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ghi nhận, chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến tăng lượng đường trong máu, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn".
Ngáy kéo dài
Mọi người thỉnh thoảng lại ngủ ngáy nhưng ở một số người, tình trạng này kéo dài. Theo bác sĩ Melvyn Rubenfire, điều đó có liên hệ với bệnh tim: "Ngáy do lưỡi không có đủ chỗ ở phía sau cổ họng, xảy ra ở những người béo phì, suy tim hoặc nằm ngửa khi ngủ".
"Có những hóa chất trong não có nhiệm vụ kích hoạt nhịp thở và những chất này có thể không hoạt động hiêu quả ở một số người ngáy. Kết quả là nồng độ oxy giảm đột ngột, khiến cortisone, adrenaline và các hormone khác tăng lên”.
“Những hormone này góp phần làm tăng huyết áp và những bất thường của tim, có khả năng gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim, gây ra các cơn đau tim, thậm chí đột tử”.
“Ngay cả khi không ngáy, những người ngưng thở khi ngủ cũng bị giảm lượng oxy, gây hại cho tim".
Hội chứng chân tay bồn chồn
Hội chứng chân không yên (RLS), còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom, là chứng rối loạn giấc ngủ thần kinh. Bác sĩ tim mạch Leslie Cho cho biết: "Ngay sau khi bạn nằm xuống, cảm giác muốn di chuyển chân bắt đầu. Dù cố gắng thế nào, bạn cũng không thể ngừng đập chân. Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện phụ nữ bị hội chứng trên có nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn”.
Có những loại thuốc điều trị hội chứng RLS nhưng bạn nên kiểm tra liệu mình có bị bệnh Parkinson, suy thận, tiểu đường loại 2, béo phì, huyết áp cao và ngưng thở khi ngủ hay không. Thiếu sắt cũng là một nguyên nhân phổ biến có thể điều trị bằng cách bổ sung sắt.
Chứng ngủ rũ
Đây là một chứng rối loạn giấc ngủ thần kinh ảnh hưởng đến cách bộ não kiểm soát giấc ngủ và sự tỉnh táo, khiến nhiều người buồn ngủ ban ngày. Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết: “Cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về mối liên quan giữa chứng ngủ rũ và sức khỏe tim mạch”.
Những người mắc chứng ngủ rũ thiếu một loại protein gọi là hypocretin. Họ thường có nguy cơ bị tiểu đường, trầm cảm và béo phì.
Theo An Yên (VietNamNet)