20-30% trẻ sinh non mắc bệnh lý võng mạc, có thể gây giảm thị lực hoặc mù lòa vĩnh viễn nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nay tỷ lệ trẻ sinh non được cứu sống tăng cao, các bệnh lý liên quan cũng gia tăng.
Bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu, Trưởng Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết tỷ lệ bệnh lý võng mạc sinh non cao nhất và di chứng khiếm thị cao nhất là ở trẻ đẻ non dưới 28-30 tuần tuổi thai và trẻ cân nặng lúc sinh dưới 1,5 kg. Đây là nguyên nhân gây mù chính ở trẻ em.
Ngoài ra bệnh lý võng mạc còn gặp ở trẻ có bệnh nền như vàng da sơ sinh, nhiễm trùng huyết, sốc, viêm phổi, truyền máu, phụ thuộc vào các phương pháp chăm sóc, điều trị… Bệnh có thể phòng và điều trị nếu được phát hiện sớm.
Theo bác sĩ Mậu, tiêu chuẩn khám sàng lọc là trẻ cân nặng lúc sinh từ 1,8 kg trở xuống, tuổi thai khi sinh dưới 34 tuần. Riêng bé phải thở oxy, thở máy, thiếu máu, sinh đôi... chỉ định tầm soát khi trẻ dưới 2 kg và tuổi thai dưới 37 tuần. Trẻ được tầm soát vào tuần thứ 3-4 sau sinh, theo dõi 1-2 tuần một lần tới khi võng mạc trưởng thành, bệnh thoái triển hoàn toàn hoặc có chỉ định điều trị.
Việc dự phòng, điều trị, chăm sóc tốt trẻ sinh non tốt giúp phòng ngừa, giảm các biến chứng bệnh lý võng mạc. Kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy sau một năm điều trị, hơn 89% bệnh nhi có cấu trúc võng mạc tốt, 85% bé thị lực tốt, hơn 83% cận thị và gần 5% trẻ bị lé…
Theo Lê Phương (VnExpress.net)