Mukbang là một xu hướng ẩm thực trực tuyến phổ biến đến từ Hàn Quốc, trong đó người tham gia sẽ ăn trực tiếp trước camera và tương tác với khán giả qua các nền tảng trực tuyến.
Trong các video mukbang, người ta sẽ ăn nhiều loại đồ ăn khác nhau, thường là món ăn nhanh hoặc các món ăn đặc trưng của một khu vực nào đó. Các video mukbang thường được quay từ góc nhìn gần, cho phép khán giả nhìn thấy rõ món ăn và cách ăn.
Tại Việt Nam, nhiều mukbanger đã bắt kịp các xu hướng làm video ăn thực phẩm kỳ lạ hoặc số lượng lớn để thu hút người xem. Một số chọn các món ăn độc lạ, kén người ăn như đuông dừa, thịt sống… đánh vào tâm lý hiếu kỳ của khán giả. Họ lấy lý do các video này được lấy cảm hứng từ các nước có nền ẩm thực phong phú như Thái Lan, Trung Quốc…
Ngồi trước ống kính và mâm đồ ăn khổng lồ, một tài khoản TikToker của Việt Nam có 1,5 triệu lượt theo dõi, tên Tóc Vàng hoe bắt đầu clip mukbang của mình. Tuy nhiên, nhiều khán giả không khỏi giật mình vì độ liều lĩnh của cô gái khi từ mâm gỏi thịt bò, bạch tuộc sống đến 10 bộ óc heo, 20 quả trứng sống, vài chục con đuông dừa đều được cô gái này ăn trong không đến 10 phút, thông tin trên báo Văn Hóa.
Chưa rõ có thật sự ngon hay không nhưng khán giả nghe rõ những nhai, xì xụp, nuốt thức ăn của nữ TikToker. Thậm chí trong video, Tóc vàng hoe còn cảnh báo “Lưu ý không ăn quá nhiều vì dễ bị đầy bụng” hay khuyên khán giả không ăn quá nhiều vì có thể gây dị ứng. Tuy nhiên vì để hấp dẫn người xem, chủ kênh vẫn sẵn sàng làm các video ăn mâm đồ ăn sống “siêu to, khổng lồ” khiến người xem không khỏi dựng tóc gáy. Cũng có lần trong một video, cô gái này kể mình bị dị ứng do ăn tới 33 con đuông dừa trong thời gian ngắn.
Tương tự, Tiến, 20 tuổi, ở Hà Nội, là một trong những fan hâm mộ các video này. Anh bắt chước, cùng hai người bạn mua số lượng thực phẩm lớn gồm bánh mì, xúc xích, khoai tây chiên, gà rán, pizza, mì ý, nước ngọt có ga, bày la liệt tạo thành một bàn thức ăn khổng lồ, bắt mắt. Tiến vừa ăn và nói chuyện trước camera, đồng thời cắn, nghiền và nhai đồ ăn để tạo ra các âm thanh khác nhau. Sau bữa ăn, Tiến bị đau, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa nhiều ngày, nhập viện, theo VnExpress.
Vì sao Mukbang trở thành trào lưu 'hot' trên MXH?
Các chuyên gia nhận định, có nhiều lý do để "ăn khổng lồ", hay "ăn thùng uống vại" tạo thành trào lưu trên các nền tảng mạng xã hội. Vnexpress dẫn lời tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho rằng các video này cung cấp cho người xem trải nghiệm giải trí thú vị, giúp tinh thần thoải mái, thư giãn. Thực tế, con người luôn tò mò về các thứ mới lạ. Xem người khác ăn lượng lớn đồ ăn là một cách để khám phá và tìm hiểu thêm về các món ăn cũng như văn hóa ẩm thực. Chúng có thể làm giảm cảm giác cô đơn với những người ăn một mình.
Một số chuyên gia khác cho rằng, thông qua âm thanh, các video mukbang có thể tạo ra phản ứng cảm giác - vận động tự chủ, còn gọi là ASMR. Cảm giác này sinh ra từ một phần não bộ khiến người dùng thư giãn, thoải mái. Những âm thanh quen thuộc khi ăn như húp, nhai và hình ảnh từ món ăn kích hoạt phản ứng ASMR cho nhiều người xem, khiến não giải phóng một số loại hormone thần kinh nhất định như dopamine, oxytocin, endorphin giúp cải thiện tâm trạng, sự tập trung, giảm đau.
Dù dần bị quay lưng ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc vì sự phản cảm nhưng các clip ăn uống theo kiểu “ăn thùng, uống vại”, kỳ quái vẫn xuất hiện tại Việt Nam hay các quốc gia khác. Nguyên nhân chính vì những clip này có thể hái ra bộn tiền cho những người làm nội dung. Từ vỏ sầu riêng, nội tạng sống, côn trùng sống… họ có thể làm bất kỳ thứ gì, miễn sao tăng view, tăng lượt theo dõi.
Wang Can, người có hơn 560.000 follower trên nền tảng chia sẻ video Douyin (phiên bản tại Trung Quốc của TikTok) từng bị nền tảng khoá tài khoản sau khi đăng clip ăn ong bắp cày còn sống. Wang bị ong đốt dẫn đến sưng môi, biến dạng khuôn mặt. Nhưng người này vẫn cho rằng hành động dại dột này đã giúp mình có thêm 100.000 khán giả theo dõi. Chú thích đoạn clip còn cảnh báo: "Nguy hiểm, đừng bắt chước", nhưng cũng được Wang nhấn mạnh là một thử thách "can đảm", "không có gì phải sợ”…
Chia sẻ về lý do nhiều TikToker bất chấp để làm những clip mukbang kinh dị, MommyTang, môt Tiktoker sở hữu 496.000 triệu người đăng ký kênh, cho hay nếu nổi tiếng bằng các clip mukbang, một mukbanger có thể thu về 100.000 USD/năm hoặc hơn nhờ các hợp đồng quảng cáo, lợi nhuận được nền tảng trả cho người làm nội dung…, thông tin trên Báo Văn Hóa.
Hệ luỵ khó lường
Thực tế, việc làm các clip mukbang không hề xấu. Thậm chí, đây còn là công cụ hữu hiệu để quảng bá văn hoá ẩm thực quốc gia. Tuy nhiên, sự biến tướng của các clip này đang khiến khán giả hiểu nhầm về văn hoá ẩm thực. Chưa kể, cách ăn uống như vậy còn gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhận định trên VnExpress, trào lưu này có nhiều mặt tiêu cực. Trong quá trình quay video, các mukbanger có thể mua nhiều thức ăn vượt quá nhu cầu, gây lãng phí thực phẩm. Việc ăn uống vô độ, nhất là tiêu thụ quá nhiều thực phẩm cay hoặc đường, muối sẽ gây các vấn đề sức khỏe như rối loạn tiêu hóa, nguy cơ thừa cân béo phì.
"Lâu dần sẽ sinh bệnh, tạo hình ảnh tiêu cực về cơ thể và ăn uống, khuyến khích hành vi ăn uống không lành mạnh và ảnh hưởng đến tâm lý người xem", bác sĩ Hưng nói.
Ông khuyên người có vấn đề về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, bệnh lý gan; người béo phì hoặc nguy cơ béo phì; người có bệnh tâm lý như rối loạn ăn uống hoặc các vấn đề liên quan đến hành vi ăn uống; trẻ em; người mắc bệnh mạn tính, không nên xem video này.
Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, cũng cho rằng ăn quá nhanh với số lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn dễ gây viêm dạ dày, nguy cơ viêm tụy cấp, rối loạn hấp thu, tạo nên gánh nặng lớn cho gan và thận.
Theo báo Văn Hóa, nhận định nguy cơ các clip mukbang độc hại sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã phải ra thông báo “xây dựng những phương hướng phát triển cho chương trình phát sóng trên Internet về mukbang, nhằm cải thiện hành vi ăn uống của người dân và xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ hơn”.
Với Trung Quốc, BBC thông tin chính quyền Trung Quốc đã công bố chiến dịch "Đĩa sạch" nhằm kêu gọi chống lãng phí thực phẩm. Chiến dịch "Đĩa sạch" ra đời nhằm nâng cao nhận thức người dân về an ninh lương thực. Các video mukbang thừa thãi đồ ăn bị coi là đi ngược lại chủ trương. Đài CCTV của Trung Quốc còn thực hiện nhiều chương trình phê phán người làm mukbang, kêu gọi điều chỉnh hành vi để không lãng phí thức ăn.
Trên các trang web, clip mukbang xuất hiện thông điệp màu vàng cảnh báo người xem. Ngoài ra, các nền tảng phát video của Trung Quốc còn làm mờ clip ăn uống. Về lâu dài, cách làm này có thể khiến các video mukbang sụt giảm lượt xem đáng kể, khán giả cũng giảm hứng thú.
Nhiều chuyên gia nhận định, các công ty công nghệ vào cuộc. Khi khán giả tìm kiếm các từ khóa để xem mukbang như "chương trình ăn uống" hay "livestream ăn uống", các nền tảng này phải những ghi chú cảnh báo; thậm chí nghiêm cấm những clip mukbang phản cảm.
Tại Việt Nam, các nền tảng cần quan tâm đến người xem hơn, sẵn sàng phát cảnh báo, chặn khi những clip này xuất hiện. Bản thân người xem cũng cần nhận thức rõ ràng về tác hại của những clip mukbang không lành mạnh, tránh làm theo để bảo vệ sức khoẻ.
PN (SHTT)