Đọc bài "Tái hôn không dễ" đăng trên báo, tôi muốn kể câu chuyện của cuộc đời mình, một người đã lớn tuổi tái hôn với cuộc sống an yên, hạnh phúc.
Có chồng cũng như không
Tôi lấy chồng năm 1980 khi vừa tròn 18 tuổi. Đến năm 1989, khi ấy chúng tôi đã có 3 con, sau nhiều lần nghe chồng thuyết phục và vì nghĩ cho tương lai các con, tôi quyết định theo chồng vào Biên Hòa (Đồng Nai) lập nghiệp. Thế nhưng, khi đến nơi tôi mới biết chồng đang sống với người phụ nữ khác và cũng đã có con. May mắn là lãnh đạo nhà máy nơi anh làm việc thương hoàn cảnh mấy mẹ con nên đã cấp một căn hộ tập thể để ở.
Muốn con có đủ cha và mẹ, tôi mắt nhắm mắt mở, tần tảo nuôi con một mình, anh vẫn ở cùng người phụ nữ kia. Chúng tôi chỉ còn là vợ chồng trên danh nghĩa, có khó khăn anh cũng không hề giúp đỡ.
50 tuổi, khi 2 con gái lấy chồng, tôi chủ động làm đơn ra tòa ly hôn. Ban đầu anh lừng khừng không đồng ý nhưng tôi quyết tâm nên cuối cùng tòa cũng ra quyết định. Chấm dứt những ngày có chồng cũng như không, tủi thân, mất phương hướng nhưng sau ly hôn, những vất vả, cô đơn vẫn không buông tha, trong khi anh em họ hàng thân thích không ai ở gần, các con có gia đình riêng.
Ngã rẽ hạnh phúc
Một ngày, tôi đi thăm người đồng nghiệp bị tai nạn. Khi đứng lên chào ra về, bỗng dưng người đồng nghiệp nắm chặt tay tôi và nói: "Anh rất cần em!". Tôi bất ngờ và hoảng sợ, không nói được gì, vội vã ra về.
Từ đó, anh cứ điện thoại rồi nhắn tin, kiếm cớ nhờ tôi mua cái này cái kia, dần dà chúng tôi thấy hợp nhau và quyết định đi tới hôn nhân.
Anh có 3 con gái, vợ anh ra đi đã 8 năm vì ung thư. Biết được ý định của chúng tôi, gia đình nhà vợ quá cố của anh không cho đăng ký kết hôn vì không muốn rắc rối liên quan đến tài sản. Các con của anh vì thương bố nên chỉ ngập ngừng: "Chúng con đồng ý cho bố lấy vợ nhưng để xem người đó như thế nào rồi tính". Bên nhà tôi, các con rể chỉ ậm ừ cho qua chuyện, con gái thứ 2 thì phản đối kịch liệt. Phải một năm sau đó, mọi việc mới ổn thỏa.
Mặc dù cả 2 đều có nhà riêng nhưng chúng tôi vẫn đi lại cả 2 nơi, không ở cố định nhà nào, vì các con đều rất cần bố, mẹ của chúng.
Thêm một thời gian nữa, cuộc sống của vợ chồng già "rổ rá cạp lại" mới được các con ủng hộ. Các con mua vé cho chúng tôi đi xem phim, về thăm quê, đi du lịch… Những ngày lễ - Tết, tôi nấu ăn để các con tụ tập ăn uống, trò chuyện, gắn kết tình thân.
Cứ thế, chính đứa con phản đối gay gắt chuyện tôi tái hôn lại là đứa thương ông xã tôi nhiều nhất, hay tâm sự, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với cha dượng hơn là với mẹ.
Điều đáng nói là ông xã tôi cũng rất tâm lý, luôn yêu thương, chăm sóc con cháu, sẵn sàng đồng cam cộng khổ với tôi và các con, coi con riêng của vợ như con của mình nên luôn được các con kính nể.
Sống với nhau 11 năm, anh ra đi vì căn bệnh ung thư. Những ngày anh nằm viện, các con thay nhau phụ tôi chăm sóc ân cần, chu đáo như anh là cha ruột. Lúc đầu tôi nghĩ các con không muốn tôi buồn nên đối xử tốt với anh. Nhưng khi chứng kiến các con lo lắng, chạy tới chạy lui lúc anh trở nặng và để tang khi anh mất, tôi thầm nghĩ: "Mẹ nợ các con một ân tình".
Qua câu chuyện này, tôi có vài lời muốn nói với các bạn trẻ rằng cha hoặc mẹ, nếu vì hoàn cảnh đẩy đưa thì tái hôn không phải là điều xấu, vì không vi phạm pháp luật, phù hợp với hoàn cảnh thực tế, không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.
Họ đi thêm bước nữa cũng không vui sướng gì, bởi đã phải trải qua nhiều biến cố cuộc đời với quá nhiều đau khổ, hy sinh, mất mát. Ở tuổi xế chiều, có được người bạn đời chăm sóc, yêu thương sẽ giúp họ tìm được niềm an ủi, sống vui, sống khỏe hơn.
Theo Nguyễn Thị Lưu (Nld.com.vn)