Từ hằng ngàn năm trước, con người đã biết sử dụng tỏi để chế biến các món ăn và làm thuốc chữa vết thương ngoài da, nhiễm trùng tai, đường ruột, tráng dương... Người Ai Cập cổ đại thấy tỏi đặc biệt đến nỗi đã tôn thờ nó.
Còn hơn 3.000 năm trước, các thầy thuốc thuộc y học cổ truyền Trung Hoa đã coi tỏi như một phương thuốc hữu hiệu để dự phòng cảm cúm, điều trị rắn cắn và các bệnh nhiễm khuẩn.
Năm 1858, nhà bác học Pasteur đã chứng minh được khả năng kháng khuẩn của tỏi. Từ đó, tỏi được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong thế chiến thứ 1 và 2 để ngăn ngừa sự hoại tử của các vết thương do bom đạn gây ra.
Tỏi có tên khoa học là Allium sativum L. thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae). Trong mỗi củ tỏi chứa 0.10 – 0,36% tinh dầu, 90% các hợp chất lưu huỳnh (S) như allicin, diallyl disulfide và allylpropyl disulfide, quan trọng nhất là allicin.
Ngoài ra, trong tỏi chứa nhiều selen, các loại vitamin và khoáng chất. Vì thế, tỏi được chứng minh có tác dụng đề kháng, tiêu độc, chống ung thư, trị cảm cúm thông thường, giảm huyết áp, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cải thiện hệ xương....
Điều đáng lưu ý là các hoạt chất này chỉ được hoạt hoá khi củ tỏi được đập dập, nghiền nát hoặc nhai và sẽ bị bất hoạt ở nhiệt độ cao. Do đó, để phòng và chữa bệnh, mọi người thường có thói quen nhai hoặc nghiền nát tỏi sống để ăn, vì tỏi nấu chín sẽ bị giảm tác dụng.
Tuy tỏi mang lại nhiều lợi ích đáng ngạc nhiên cho sức khỏe như vậy nhưng không phải ai cũng sử dụng được tỏi sống và không phải ăn càng nhiều càng tốt cho sức khỏe.
Liều lượng
Theo Trung tâm Y tế thuộc Đại học Maryland (Mỹ), một người lớn khỏe mạnh có thể tiêu thụ khoảng 4 tép tỏi mỗi ngày, mỗi tép tương đương 1g.
Tác dụng phụ khi ăn quá nhiều tỏi sống
- Có thể làm tổn thương gan: Một nghiên cứu Ấn Độ đã đề cập ăn tỏi nhiều có thể dẫn gây độc tính cho gan, một trong những bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể. Vì tỏi chứa allicin, một hợp chất với lượng lớn có thể làm tổn thương gan.
- Tiêu chảy: Nếu ăn tỏi khi đói bụng, bạn có thể bị tiêu chảy. Chất fructans trong tỏi có thể gây ra khí trong dạ dày.
- Buồn nôn, nôn và ợ nóng: Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cho biết ăn tỏi tươi hoặc dầu tỏi khi bụng đói có thể dẫn đến chứng ợ nóng, buồn nôn và nôn. Cũng trong một báo cáo của trường Y Harvard cho thấy tỏi có thể gây ra chứng trào ngược dạ dày thực quản.
- Tăng nguy cơ chảy máu: Theo Trung tâm Y tế thuộc Đại học Maryland (Mỹ), bạn không nên ăn tỏi khi đang sử dụng các loại thuốc giảm loãng máu vì tỏi có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Ngoài ra, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân không nên ăn tỏi ít nhất 2 tuần.
- Kích ứng da: Ăn tỏi sống quá nhiều có thể gây kích ứng da vì tỏi có chứa alliin lyase có thể khiến da bị mẩn đỏ và ngứa.
- Đau đầu: Ăn tỏi sống nhiều cũng có thể gây đau đầu. Tỏi có thể kích thích dây thần kinh để giải phóng các phân tử tín hiệu thần kinh tới màng bao phủ não và gây ra chứng đau đầu.
- Phù nề, chảy máu bên trong mắt: Một trong những tác dụng phụ điển hình của việc ăn nhiều tỏi sống là gây phù nề, chảy máu bên trong mắt và có thể dẫn tới mất thị lực.
- Chuyển dạ sớm: Thai phụ không nên ăn quá nhiều tỏi sống vì có thể làm tăng chứng loãng máu vốn nguy hiểm đến tính mạng hoặc gây chuyển dạ sớm.
Theo Hoàng Hương (Soha/Trí Thức Trẻ)