Nhiểu cặp vợ chồng tranh luận rồi cãi nhau chẳng vì điều gì rõ ràng mà cũng ầm ĩ… Họ từng tự hỏi sao ngày xưa thì thầm to nhỏ với nhau suốt ngày không biết chán, có những chuyện chẳng cần nói gì mà vẫn hiểu ý nhau, trong khi bây giờ hét vào mặt nhau mà chẳng ai hiểu ai. Sau nhiều lần tự hỏi mới ngộ ra là phải học cách nói với nhau dịu dàng, tôn trọng nhau thế nào thì cũng cần phải học cách lắng nghe nhau như thế ấy. "Nghe" không còn là một trong năm giác quan của con người nữa, nó là cả một nghệ thuật.
Anh Trần Hùng (Lạng Sơn) chia sẻ, anh và bố thường có những khúc mắc, những quan điểm khác nhau nên cứ bắt đầu cuộc nói chuyện một lúc là có sự bất hòa và tranh cãi. Sau này anh thực tập phương pháp lắng nghe và thấu hiểu của Thiền sư Nhất Hạnh và đã thành công. Sau khoảng 3 lá thư là anh và bố có thể truyền thông và hiểu nhau ngay.
Anh từng không hạnh phúc với vợ vì những lỗi lầm trong quá khứ, hai người chỉ nhìn cái xấu của nhau trong thời gian dài khiến họ đau khổ vì không thể truyền thông, hóa giải nó. May mắn anh nghe được bài pháp "Ái ngữ và lắng nghe" của Thiền sư Nhất Hạnh và quyết định tái lập truyền thông với vợ. Ban đầu do khả năng kiên trì, chịu đựng và bao dung còn thấp, năng lượng chánh niệm yếu nên chỉ một lúc là tắc nghẽn và lại dẫn đến tranh cãi gay gắt.
Anh đi học thiền định để có sức định tĩnh và tinh thần không thành kiến, cố chấp với những điều vợ nói có ý buộc tội, phán xét gay gắt, thậm chí không đúng... và anh đã học được cách kiên nhẫn lắng nghe vợ nói. Kết quả là anh đã làm dịu sự khó chịu của vợ, chờ vợ nói chán thì đến anh nói… Thế là hai vợ chồng truyền thông được cho nhau và ngày càng thêm hiểu biết yêu thương nhau nhiều hơn.
Vậy đó, khi gặp khó khăn trong cuộc sống một trong những nhu cầu của con người là muốn chia sẻ, chia sẻ để giải tỏa, nhận thông tin đa chiều của vấn đề, từ đó giải quyết khó khăn sẽ thuận lợi và sáng suốt hơn. Nhưng khi bạn được tin tưởng lựa chọn để lắng nghe tâm tư của ai đó - nghĩa là bạn trở thành nơi nương tựa về tinh thần, lắng nghe lúc này không chỉ là tiếp nhận thông tin, mà còn là sự sẻ chia và thấu cảm.
Trong xã hội hiện đại ai cũng bận rộn, đến thời gian ăn cơm cũng eo hẹp nên vấn đề lắng nghe càng trở nên khó khăn hơn. Công nghệ thông tin phát triển chóng mặt nên ai cũng có thế giới riêng qua dùng các mạng xã hội. Do đó con người trong một gia đình, cộng đồng xã hội xa dần nhau hơn, đời sống vật chất rất phát triển nhưng đời sống tinh thần, đạo đức, tâm linh ngày càng đi xuống hơn.
Cách để lắng nghe hiệu quả
Thời điểm nào, hoàn cảnh nào, kết hôn hay chưa... thì kỹ năng lắng nghe là thực sự cần, cũng là tiêu chí quan trọng mang lại hiệu quả thiết thực cho chúng ta. Để lắng nghe hiệu quả, chúng ta cần chú ý các điểm sau:
1. Thể hiện sự quan tâm
Hãy để người nói biết bạn đang lắng nghe bằng cách "à, ừ...", và những hành động nhỏ như gật gù tán thành chi tiết câu chuyện, hoặc đơn giản là duy trì ánh mắt và nụ cười cũng là một cách tôn trọng lắng nghe người đối diện. Những kĩ năng cơ bản này là hành động "biết nói" giúp người nói cảm nhận được rằng bạn dành sự tập trung cho họ.
2. Gác điện thoại sang một bên
Bạn sẽ khó hiểu nội dung câu chuyện nếu xao nhãng liên tục với các tin nhắn và các mạng xã hội qua điện thoại.
Nếu đặt bạn vào vị trí của người nói, bạn sẽ thấy tốn bao công sức giải thích vấn đề mà đối phương cứ chăm chú nhìn vào chiếc điện thoại của họ? Vì vậy hãy tạm ngưng dùng điện thoại mà dành trọn thời gian, tâm trí vào cuộc đối thoại, tập trung lắng nghe người khác nói.
3. Phản hồi khi lắng nghe
Trong lúc lắng nghe nếu không hiểu hoặc chưa rõ chi tiết nào chỉ nên ghi nhớ trong đầu, hoặc ghi chú để chọn thời điểm đặt câu hỏi thích hợp - như thế sẽ giúp bạn hiểu vai trò của mình và người khác tin tưởng bạn đã nắm nội dung câu chuyện.
Tránh cắt ngang lời người nói vừa gây ảnh hưởng tới luồng suy nghĩ của họ, vừa thể hiện mình là người thiếu những kĩ năng mềm cơ bản.
4. Đánh giá chân thành
Sau khi đã lắng nghe, đừng vội đánh giá câu chuyện hay đề xuất của họ là tốt hay không tốt - bởi không có ý tưởng nào hoàn hảo ngay từ lần trình bày đầu tiên. Sự góp ý thẳng thắn, chân thành của bạn chính là kĩ năng quan trọng nhất trong việc đem lại sự thành công cho người nói.
Lời nói là gieo, lắng nghe là gặt. Lắng nghe là kĩ năng rất cần thiết cho mọi lứa tuổi. Bí kíp đỉnh cao để hiểu bản thân và cảm nhận được nhiều hơn những thanh âm trong cuộc sống là hãy lắng nghe như chưa bao giờ được nghe. Đời sống tinh thần, đạo đức... sẽ đi lên nếu bạn nắm được bí kíp đỉnh cao để hiểu bản thân và cảm nhận được thanh âm yêu thương trong cuộc sống... đem tới sự thành công, may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.
Theo Vera Xuân Hường (Giadinh.net.vn)