Tiêm phòng vắc-xin Covid-19 là vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay trong tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều người băn khoăn về việc tiêm chủng loại vắc-xin này.
Trước tình hình đó, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng) đã có một vài chia sẻ về vấn đề này.
Thưa ông, tiêm phòng vắc-xin Covid-19 liệu có cần thiết hay không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Tiêm phòng vắc-xin Covid-19 hiện nay là việc làm rất cần thiết trong tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Đây là giải pháp quan trọng vì hầu hết mọi người không có miễn dịch chống lại Covid-19, rất dễ bị nhiễm. Sau khi nhiễm bệnh, nhiều người gặp biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đối mặt với nguy cơ tử vong.
Trong khi đó, tiêm phòng vắc-xin Covid-19 sẽ giúp chúng ta có miễn dịch chống lại bệnh, tiêm chủng có trật tự sẽ tạo hàng rào miễn dịch có thể được thiết lập dần dần trong cộng đồng để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Cần nhấn mạnh không phải tiêm vắc-xin là không bị nhiễm bệnh. Nhưng ngay cả trong trường hợp bị nhiễm bệnh sau tiêm chủng cũng dễ điều trị hơn, tránh những biến chứng nguy hiểm hơn.
Do đó, tiêm chủng là phương cách an toàn và hiệu quả để phòng bệnh. Các loại vắc-xin cứu sống hàng triệu người mỗi năm. Khi chúng ta được chủng ngừa, chúng ta không chỉ bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ cả những người xung quanh.
Liệu có những phản ứng phụ thường gặp nào sẽ xảy ra sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, xin ông chia sẻ?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Vắc-xin Covid-19 cũng như nhiều loại vắc-xin khác, có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ứng thông thường nên người dân không cần phải quá lo lắng. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Astra Zeneca, các phản ứng thường gặp với tỉ lệ >10% như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C. Phản ứng tại chỗ như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm chiếm 1% - 10%.
Cần phải nhấn mạnh, những phản ứng trên là hoàn toàn bình thường, không có gì nghiêm trọng nhưng ngành y luôn có những dự phòng cho các tình huống nguy hiểm nhất. Về vấn đề này, người dân hoàn toàn yên tâm vì khi triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid 19, cán bộ y tế đã được tập huấn về việc sử dụng vắc-xin và theo dõi, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng... Trang thiết bị phòng chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có) cũng được trang bị đầy đủ tại các điểm tiêm chủng.
Vắc-xin Covid-19 có chống chỉ định cho những đối tượng cụ thể nào không thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Bên cạnh những trường hợp được chỉ định tiêm cũng có những đối tượng chống chỉ định tiêm vắc-xin Covid-19. Cụ thể:
- Người đang bị sốt.
- Người đang mắc các bệnh cấp tính.
- Người đang trong giai đoạn cấp tính của các bệnh mãn tính.
- Phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch mang thai.
- Phụ nữ đang cho con bú.
- Người đã có phản ứng dị ứng nặng sau khi tiêm liều trước đó của vắc-xin Covid-19.
- Người đã có phản ứng dị nặng với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin Covid-19.
Khi nào thì không nên tiêm phòng mũi thứ 2?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong quá trình thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19, nếu xuất hiện phản ứng dị ứng nghiêm trọng xảy ra ngay từ lần đầu tiên và xác định nguyên nhân là do vắc-xin thì sẽ có khuyến cáo không tiêm lần thứ hai nữa.
Do đó, những người có tiền sử dị ứng với một số hay các thành phần của vắc-xin sẽ được khuyến cáo không tiêm phòng. Điều này sẽ được hỏi kỹ trước khi bác sĩ tiến hành tiêm phòng cho người dân, bao gồm tình trạng sức khỏe và tinh trạng dị ứng trong quá khứ.
Điều này đòi hỏi người được tiêm phòng cần khai báo trung thực tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng của mình.
Có một số ý kiến rằng sau khi tiêm COVID-19 vẫn cần đeo khẩu trang. Vậy việc này có thực sự cần thiết hay không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Chắc chắn là có. Ở những nước đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trên diện rộng, như Israel, hiện vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, các biện pháp khử khuẩn và giữ khoảng cách… Virus SARS-CoV-2 lây theo giọt bắn, do đó, đeo khẩu trang vẫn luôn là các biện pháp phòng dịch hữu hiệu đầu tiên. Chúng ta phải hiểu rõ vắc xin khi tiêm vào sẽ không tạo miễn dịch ngay và đặc biệt chúng ta còn phòng ngừa biến chủng virus, hướng tới miễn dịch cộng đồng với 70% dân số.
Không chỉ có vậy, người dân cũng cần đảm bảo khử khuẩn, tránh tụ tập đông người... chứ không nên chủ quan lơ là dù đã được tiêm phòng.
Nếu tỉ lệ tiêm COVID-19 cao thì sẽ đem lại hiệu quả phòng bệnh như thế nào?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Miễn dịch cộng đồng hình thành khi tỉ lệ lớn người trong cộng đồng đã trở nên miễn dịch với một bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" bảo vệ những người chưa bị nhiễm và có thể ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh đó lây lan. Điều này cho thấy, miễn dịch quần thể hay cộng đồng tỷ lệ thuận với hiệu quả bảo vệ của vắc xin và tỷ lệ tiêm chủng.
Vì vậy, để đạt đủ miễn dịch quần thể cần phải có tỷ lệ tiêm chủng đủ cao, nghĩa là hầu hết mọi người đều được tiêm chủng.
Ngược lại, nếu có nhiều người không tiêm chủng hoặc đa số người dân không muốn tiêm chủng thì hàng rào miễn dịch vững chắc sẽ không được hình thành, và dễ dàng lây lan dịch bệnh khi có nguồn lây bệnh.
Vắc-xin Covid-19 hiện tại có tác dụng bảo vệ trong bao lâu?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay, có đến hơn 100 loại vắc xin Covid-19 đang ở các giai đoạn phát triển tiền lâm sàng và giới chuyên gia vẫn đang tìm hiểu xem thời gian vắc-xin bảo vệ cơ thể khỏi virus SARS-CoV-2 là bao lâu. Điều này đòi hỏi giới chuyên môn cần theo dõi liên tục và tiến hành nghiên cứu những vấn đề liên quan sau tiêm chủng rộng rãi mới có đủ bằng chứng khoa học cũng như đánh giá được hiệu quả sau khi tiêm kéo dài bao lâu.
Sau bao lâu thì sẽ tạo ra kháng thể sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Không phải tất cả mọi người đều đáp ứng với việc chủng ngừa giống như nhau. Với hầu hết các vắc xin, tỷ lệ bảo vệ không bao giờ là tuyệt đối 100%, vắc xin Covid-19 cũng không ngoại lệ. Điều này gây ra do nhiều nguyên nhân như tiêm vắc xin không đúng lịch, tiêm không đủ mũi; hệ thống miễn dịch không đáp ứng tốt trong việc tạo kháng thể; do người bệnh đã phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh khi vừa mới tiêm vắc xin, hệ miễn dịch chưa kịp tạo ra kháng thể; hoặc do các tác nhân khác.
Do đó, người dân cần nhớ, để vắc-xin phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ, phòng ngừa khỏi virus SARS-CoV-2, cần phải tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ mũi theo chỉ định của bác sĩ.
Xin cảm ơn ông rất nhiều!
Theo HH (Pháp Luật & Bạn Đọc)