Thường xuyên giận dữ sẽ có hại cho sức khỏe như thế nào?

03/11/2017 14:32:53

Bạn dễ dàng nổi giận, thường xuyên cáu kỉnh hoặc nổi đóa? Tất nhiên là máu của bạn không “sôi lên” theo nghĩa đen, nhưng sự tức giận mãn tính không chỉ có thể tàn phá các mối quan hệ và cuộc sống cá nhân, mà còn cả sức khỏe của bạn nữa.

Giận dữ là một cảm xúc bình thường của con người, và việc đôi khi cáu kỉnh sẽ không có hại cho tinh thần hay thể chất của bạn.

TS Cynthia Thaik, bác sĩ tim mạch tại Los Angeles giải thích: "Tức giận - như một cơ chế “chỗng đỡ hay bỏ chạy” - với stress và lo lắng... là có lợi về mặt sinh lý. Chúng ta cố làm tăng lưu lượng máu đến các cơ quan sắp sửa hành động - tim mạch, hệ thần kinh cơ và hệ thần kinh trung ương".

Tức giận, giống như lo âu hoặc stress, có thể phục vụ mục đích hữu ích, thúc đẩy sự thay đổi hoặc hành động, chẳng hạn như khi xung đột - tiếp cận một cách tôn trọng – cải thiện chất lượng của mối quan hệ.

Giận dữ là một khác niệm “động”, không chỉ là cảm xúc, mà còn là tâm trạng, và với một số người, đó còn là một kiểu tính cách. Trong hầu hết các trường hợp, phản ứng giận dữ về cảm xúc, như nổi cáu khi bạn bị chặn đầu trên đường, chỉ diễn ra rất nhanh. Thường thì nó sẽ tan biến trong vài phút; mặc dù chúng ta có thể vẫn giữ nỗi tức giận trước những vi phạm đã qua trong nhiều ngày, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Thường xuyên giận dữ sẽ có hại cho sức khỏe như thế nào?
Giận dữ mãn tính sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, tăng lo âu, mất ngủ và trí óc kém sáng suốt

Nhưng tâm trạng thì khác. Tâm trạng thường có xu hướng kéo dài hơn, và cường độ thấp hơn. Sự bực tức cũng là một loại giận dữ cường độ thấp kéo dài theo thời gian. Và tâm trạng không nhất thiết cần một nguyên nhân; chúng luôn ở đó – ào tới và rút đi những những con sóng biển.

Tiếp đến là những người nóng tính. Nóng tính đã được chứng minh là một kiểu tính cách ở một số người, và đó là kiểu tính cách cố hữu do quan niệm rằng rằng những người khác là không xứng đáng hoặc luôn gây thất vọng. Vì vậy, những người nóng tính có xu hướng nghi ngờ, hoài nghi, ghen tị, cay độc và liên quan đến giận dữ và hung hăng. Họ thường đánh giá người khác một cách khắc nghiệt hơn, và chậm đưa ra nhận xét tích cực hơn.

Thường thì mọi người không thể kiểm soát sự giận dữ của mình - và thay vào đó họ lại bị cơn giận kiểm soát. Sự giận dữ sẽ trở thành vấn đề khi nó diễn ra quá thường xuyên, quá mạnh mẽ, quá bền bỉ, và khi nó không còn mang lại lợi ích cho bạn. Nghĩa là khi nó không còn phục vụ một chức năng tích cực.

Loại giận dữ độc hại hoặc không kiểm soát được này là đáng lo ngại nhất khi nhìn từ ​​quan điểm sức khỏe. Nếu bạn có những cơn giận dữ thực sự rất nghiêm trọng, nó có thể ảnh hưởng đến tim. Đó là một yếu tố nguy cơ bổ trợ.

Bản thân giận dữ không phải là nguyên nhân gây ra bệnh động mạch vành hoặc bệnh tim. Nhưng nếu sự giận dữ kéo dài và huyết áp cũng như nhịp tim bị ảnh hưởng, thì nó có thể gián tiếp dẫn đến bệnh mạch vành hoặc bệnh cơ tim.

Có rất nhiều cơ chế mà qua đó sự giận dữ mãn tính có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn - và thậm chí gây nguy hiểm cho sức khoẻ của những người khác, bao gồm béo phì, thiếu tự tôn, đau nửa đầu, nghiện rượu và ma túy, trầm cảm, những trục trặc về tình dục, tăng nguy cơ đau tim, giảm chất lượng của các mối quan hệ, tăng khả năng bạo hành người khác về tình cảm hoặc thể chất hoặc cả hai ... cao huyết áp và đột quị.

Giận dữ mãn tính cũng dẫn đến tăng lo âu, mất ngủ, kém sáng suốt và mệt mỏi. Nó có thể làm giảm khả năng miễn dịch chống lại các mối đe doạ, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng, và thậm chí cả ung thư.

Ngoài phá vỡ mối quan hệ và hủy hoại cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của một người, tác động sâu sắc của giận dữ mãn tính đối với sức khoẻ là lý do để thực hiện các bước kiểm soát. Một điểm để bắt đầu là thực hành chính niệm. Thường thì chúng ta đối phó với lớp trên lớp cảm xúc - ví dụ, cảm giác tồi tệ về cơn giận, và sau đó lại bực bội với chính mình vì đã nổi giận.

Cách ứng phó với giận dữ

Điều cần làm là tìm ra cách để nhận thức được “vòng xoắn bệnh lý” đó và cắt đứt nó. Một cách để làm điều này là nhận thức rõ hơn ngay thời điểm bạn tức giận, sau đó xem xét cảm xúc của mình một cách thật khách quan và tò mò. Vì vậy, thay vì chống lại chính mình, hãy thừa nhận cảm giác của bạn và suy nghĩ về cách đối phó.

Mặc dù có vẻ rất đơn giản, các chuyên gia khuyên nên tạm dừng lại khi bạn cảm thấy mình đang tức giận. Điều này có thể là thoát khỏi hành động đó, như khi bạn tranh luận về tình hình chính trị trong bữa ăn tối và câu chuyện dần nóng lên, và làm chậm sự việc theo một cách nào đó.

Kiểu tạm ngừng này luôn là tuyến phòng ngự đầu tiên chống lại sự giận dữ có hại. Thay vì lao đầu vào một cuộc đấu khẩu bất phân thắng bại khi ai đó có lời nói gây tổn thương hoặc xúc phạm, thì hãy cố gắng, ví dụ, nói điều gì đó có vẻ ngớ ngẩn - như cảm ơn họ - để xoa dịu tình hình.

Các phương pháp khác để đối phó với stress, như thở sâu và thư giãn cơ - trong đó bạn thắt chặt các nhóm cơ trên cơ thể rồi từ từ thả lỏng - cũng được gợi ý để giải quyết sự tức giận mãn tính và phản ứng sinh lý của cơ thể với cảm xúc.

Đối với một số người - đặc biệt là nam giới - tức giận, bực bội hoặc cáu kỉnh có thể phát sinh từ một rối loạn tâm trạng là trầm cảm. Đối với nhiều người, buồn bã bị coi là yếu đuối, nam giới thường bị xã hội mặc định là phải mạnh mẽ và giận dữ được coi như một nét nam tính. Vì vậy, cùng với việc chú ý đến sự giận dữ và những yêu tố môi trường kích hoạt sự giận dữ - ví dụ như khi bị ai đó làm tổn thương - hãy cân nhắc xem liệu sức khoẻ tinh thần có thể có vai trò trong sự giận dữ mãn tính của bạn không.

Nếu các kỹ thuật đơn giản như tăng chính niệm, tha thứ, tự thông cảm, tập giảm căng thẳng và thoát khỏi tình huống căng thẳng không có tác dụng, thì bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp của người có chuyên môn, giống như với điều trị trầm cảm vậy.

Hãy tìm những chuyên gia về sức khỏe tâm thần có chuyên môn về quản lý sự tức giận. Họ có thể bao gồm các nhà tâm lý học, nhân viên xã hội và nhân viên tư vấn có chứng chỉ hành nghề, những người có thể giúp chúng ta quản lý sự giận dữ. Nhưng đừng đợi người khác gợi ý rằng bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ cho tính hay tức giận của mình.

"Hầu hết mọi người thường không tự tìm kiếm sự trợ giúp. Thông thường họ được cha mẹ, vợ/chồng, bạn bè hoặc cấp trên giới thiệu đến. Vì vậy, họ thường đến với một thái độ thù địch. Điều đó khiến việc điều trị giận dữ khó hơn điều trị lo âu, vì chúng ta phải vượt qua cản trở đầu tiên là sự phủ nhận và không muốn thừa nhận vấn đề của mình. Đó là lý do tại sao bạn phải thực sự tìm đi đến một chuyên gia trị liệu chuyên về quản lý sự tức giận, chứ không phải là một bác sỹ đa khoa bình thường.

Theo Cẩm Tú (Dân Trí)