Ngày 23/2, Cục Quản lý dược đã niêm yết giá của các thuốc kháng virus Molnupiravir có giá từ vài nghìn tới hơn chục nghìn/viên dành cho F0 có xác nhận dương tính với Covid-19.
Cụ thể thuốc Molravir 400, thành phần Molnupiravir 400mg, giấy phép lưu hành VD3-166-22, có giá bán 11.550 đồng/viên. Thuốc do Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất.
Thuốc Movinavir, thành phần Molnupiravir 200mg, giấy phép lưu hành số VD3-167-22 có giá 8.675 đồng/viên. Thuốc do Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar sản xuất
Thuốc Molnupiravir Stella 400 mg, giấy phép lưu hành số VD3-168-22, giá bán 12.500 đồng/viên. Thuốc do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm, chi nhánh 1 sản xuất.
Tuy nhiên, theo quy định thuốc chỉ bán cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà (có giấy tờ xác nhận) và đơn thuốc của bác sĩ chứ không bán rộng rãi. Vì vậy, nhiều người sau khi là F0 đi mua thuốc đều không mua được. Thậm chí, có giấy xác nhận của địa phương nhưng không có đơn của bác sĩ chỉ định cũng không thể mua được thuốc này.
Anh Nguyễn Văn Hùng (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ với Doanh nghiệp & Tiếp thị, bạn anh bị mắc Covid-19 nên đến đây mua giúp. "Hôm qua đọc trên báo thấy sẽ mở bán thuốc điều trị Covid tại nhà thuốc Long Châu nên sáng nay tôi ra hỏi mua thuốc cho bạn nhưng nhân viên không bán vì không có đơn thuốc của bác sỹ".
Anh Hùng cho biết, thủ tục này khá phiền phức bởi F0 đang điều trị tại nhà thì làm sao có đơn thuốc của bác sĩ hay có thể ra ngoài, đến tiệm thuốc để mua.
Trong khi đó, một số người mua thuốc chứng minh bản thân là F0 để mua thuốc bằng giấy xét nghiệm PCR dương tính với Covid-19 nhưng đi 3 cửa hàng của Long Châu cũng không được. "Quan điểm của tôi chỉ cần có giấy xác nhận PCR dương tính thì nên bán cho người dân và hướng dẫn cách sử dụng cụ thể để phục vụ cho những người điều trị tại nhà", một người dân mua thuốc cho hay.
Ghi nhận trên Tuổi trẻ, tại tất cả các nhà thuốc của Long Châu đều có bảng thông báo rõ những trường hợp được mua thuốc kháng virus như: phải có đơn chỉ định của các bác sĩ hoặc giấy chứng nhận đang điều trị F0 của cơ sở y tế địa phương. Trên bảng thông báo còn ghi dược sĩ Long Châu chỉ được phép bán khi có một trong các giấy trên, nếu sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật.
Đồng thời 100% đơn thuốc cần được chụp lại và cập nhật lên hệ thống theo đúng quy định. Một nhân viên bán thuốc cho biết việc cập nhật hóa đơn trên hệ thống để tránh tình trạng người dân mua ở nhà thuốc này 1 hộp, tới nhà thuốc khác mua 1 hộp rồi sau đó trữ hoặc bán lại.
Theo nhân viên tại một số cửa hàng, trong ngày đầu tiên bán thuốc kháng virus, người dân hỏi nhiều nhưng lượng mua ít, do muốn mua phải có đơn thuốc chỉ định của bác sĩ, giấy xác nhận F0 hoặc kết quả xét nghiệm dương tính bằng PCR, test nhanh của cơ sở y tế, tức là nếu muốn mua thuốc phải đến cơ sở y tế để xét nghiệm.
Trong khi các F0 muốn mua thuốc kháng virus Molnupiravir tại nhà thuốc đòi hỏi phải có đơn của bác sĩ, thì trên chợ mạng thuốc Molnupiravir bán công khai. Thuốc Molravir 400, thành phần Molnupiravir 400mg do nhà sản xuất là Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam cũng chào bán tràn ngập trên mạng với giá từ 350 – đến 400 nghìn đồng, mua số lượng lớn cả thùng cũng có.
Chị Nguyễn Thị Linh (Long Biên, Hà Nội) cho biết trên Infonet, sáng ngày 24/2, chị cũng vội vàng ra nhà thuốc mua thuốc kháng virus vì nhà chị có 2 F0, ba mẹ chị chưa mắc nhưng vì ông bà có bệnh nền, tiểu đường nên mua phòng sẵn. Khi ra nhà thuốc dù có mang theo kết quả xác nhận test PCR dương tính chị Linh cũng không mua được nên đành quay về.
Khi về nhà, chị đã lên mạng tìm và mua được 5 hộp Molnupiravir của Boston Việt Nam với giá 320 nghìn đồng/hộp. Giá này tại nhà thuốc 250 nghìn đồng mà thủ tục phức tạp, chờ đợi, khi đặt mua trên mạng sau 2 tiếng đã có shiper mang tới tận nhà.
Anh Nguyễn Thanh Tr. (Hà Nội) bán thuốc Molnupiravir hàng Stellapharm giá 370 nghìn đồng/hộp. Anh Tr. cho biết khách hàng mua từ 1 hộp tới 1000 hộp đều có hàng và giá 1 hộp khác với mua sỉ; thuốc nhập từ trước và chỉ chờ niêm yết giá của Bộ Y tế nên giá cao hơn niêm yết là điều đương nhiên, ghi nhận trên Infonet.
Theo những người bán hàng này, giá như Bộ Y tế niêm yết rất khó mua và người bệnh chỉ có thể mua trên mạng cho nhanh, được ship trong ngày thay vì xếp hàng ra nhà thuốc mua.
Ai không được uống thuốc Molnupiravir?
Tại phiên họp trước khi cấp phép cho thuốc điều trị COVID-19 có hoạt chất Molnupiravir tại Việt Nam của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc (Bộ Y tế), các thành viên hội đồng đã thống nhất cảnh báo không dùng thuốc Molnupiravir cho phụ nữ có thai, trẻ dưới 18 tuổi do có tác dụng phụ, thuốc cũng ảnh hưởng đến tinh trùng của nam giới.
Theo thông báo của hội đồng, Molnupiravir chỉ được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ đến trung bình, có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Về giới hạn sử dụng thuốc, hội đồng khuyến cáo Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng bệnh dưới 5 ngày, không sử dụng quá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Hội đồng cũng cho rằng dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo F0 là phụ nữ nuôi con nhỏ cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
PN (Nguoiduatin.vn)