Thuốc cảm nguy hiểm với người bệnh tăng huyết áp, vì sao?

06/10/2020 15:53:34

Hầu hết người bệnh khi có triệu chứng cảm cúm thường tìm mua thuốc ở các nhà thuốc mà không cần bác sĩ kê đơn vì nghĩ là thuốc thông thường nên không gây hại gì và sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Thế nhưng việc làm này lại đặc biệt nguy hiểm đối với người bệnh tăng huyết áp.

Vì sao thuốc cảm chứa PPA gây nguy hiểm cho người bệnh tăng huyết áp?

Hiện nay các loại thuốc cảm được bày bán rộng rãi trên thị trường và được người bệnh tự ý mua dùng, nhưng đối với người bệnh tim mạch nói chung và tăng huyết áp nói riêng phải rất thận trọng, vì thuốc có thể gây rủi ro cho người bị tăng huyết áp, bệnh tim hoặc các rối loạn tim mạch khác và đã có không ít trường hợp tai biến thậm chí đột quị phải nhập viện cấp cứu vì tự ý sử dụng thuốc.

Trong thành phần của thuốc cảm cúm thường bao gồm: Paracetamol, chlopheniramine, phenylpropanolamine (PPA)… Từ lâu, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã xếp các thuốc trị bệnh cảm có chứa chất PPA vào nhóm thuốc không an toàn, không được mua dùng nếu không có chỉ định của bác sĩ. Nhưng sau đó, nhiều thuốc trị cảm cúm thông thường, thuốc giảm cân và nhiều dược phẩm khác như thuốc thông mũi vẫn có chứa PPA.

Thuốc cảm nguy hiểm với người bệnh tăng huyết áp, vì sao?
Thuốc trị cảm cúm có thể gây tăng huyết áp.

PPA là một hoạt chất có tính chất giống như một amin giao cảm có tác dụng gây co các tiểu động mạch nhỏ ngoại biên, làm co mạch ở các cuốn mũi, từ đó làm giảm triệu chứng viêm và giảm xuất tiết, chảy nước mũi. Tùy thuộc vào liều sử dụng, thuốc có khả năng làm giãn phế quản, gia tăng nhịp tim và co mạch máu... Tác dụng co mạch của thuốc làm giảm hiện tượng phù nề ở niêm mạc mũi nên được sử dụng để điều trị triệu chứng nghẹt mũi trong viêm xoang cấp. Thuốc cũng có khả năng ức chế sự thèm ăn nên nó còn được sử dụng như một trong các phương pháp nhằm giảm cân nhưng chủ yếu PPA được đưa vào trong các loại thuốc trị cảm cúm bởi thuốc nhanh chóng làm giảm các triệu chứng ở những bệnh nhân này.

Theo quy định, liều an toàn của PPA là 25 - 30mg cho mỗi lần sử dụng. Tuy nhiên nhằm cắt nhanh triệu chứng cảm, nhiều nhà sản xuất đã sử dụng chất này với hàm lượng cao. Chẳng hạn có những viên thuốc cảm chứa 30mg phenyl propanolamine, trong khi hướng dẫn sử dụng cho phép uống 2 viên lần. Phenyl propanolamine, một chất có mặt trong hầu hết các loại thuốc cảm, có tác dụng gây co mạch, giúp làm giảm sung huyết niêm mạc mũi, giảm tiết dịch ở cơ quan này. Chính do tác dụng co mạch là nguyên nhân gây tăng huyết áp. Ngoài ra thuốc có thể tương tác với thuốc huyết áp, khiến thuốc hoạt động kém hiệu quả hơn.

Tại Mỹ, hàng năm, ước tính có từ 200 - 500 trường hợp đột quỵ do PPA ở người sử dụng lứa tuổi từ 18 - 49 nên các chế phẩm có chứa chất này đã không còn được phép lưu hành trên thị trường. Hàn Quốc cũng đã cấm lưu hành 167 loại thuốc có chứa PPA sau khi có một báo cáo về trường hợp xuất huyết não do sử dụng thuốc có chứa PPA gây ra. Ở nước ta, các chế phẩm có chứa PPA hiện vẫn còn đang được phép bán trong các cửa hàng thuốc. Vì vậy để hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn của PPA, đặc biệt đối với người bệnh huyết áp cao cần phải cẩn trọng khi dùng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Do những nguy cơ trên nên những người có tiền sử cao huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác không được dùng các thuốc cảm chứa phenyl propanolamine. Những người không có tiền sử các bệnh trên cũng nên thận trọng khi sử dụng thuốc cảm này. Khi dùng, nếu có hiện tượng bất thường như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, tim đập mạnh… cần phải đi khám tại các cơ sở y tế.

Để giúp phòng bệnh ngay từ đầu, nên rửa tay thường xuyên. Nếu các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, hãy nghỉ ngơi và uống nhiều nước, ngăn ngừa tình trạng mất nước sẽ giúp giảm đau nhức cơ thể, thông mũi và có thể giảm nhu cầu dùng thuốc thông mũi. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh cũng khuyến cáo nên tiêm vắc-xin cúm hàng năm cho người từ 6 tháng tuổi trở lên, và vắc-xin viêm phổi cho trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn từ 65 tuổi trở lên.

Theo DS.Nguyễn Trang (Sức Khỏe & Đời Sống)