“Bệnh chồng bệnh” do kiêng khem quá mức
Gần đây, ông Vũ Văn Hoạt (62 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) thường có cảm giác đau nhức cột sống và vùng thắt lưng, đôi khi xuất hiện các cơn tê mỏi chân tay, nhất là trong khi ngủ. Đến gặp bác sĩ, ông mới tá hỏa khi biết mình bị loãng xương, đang trong giai đoạn tiến triển bệnh. Hỏi ra mới vỡ lẽ, ông Hoạt là người có “thâm niên” mắc bệnh sỏi thận đã gần 10 năm nay. Do đó, các loại thực phẩm giàu canxi đều bị ông “gạch tên” khỏi thực đơn hàng ngày.
Ông Hoạt cho biết: “Tôi phát hiện bị sỏi thận trái kích thước 8mm từ năm 2009, không phải mổ vì sỏi nhỏ, không gây nguy hiểm. Nghe mọi người mách, chỉ cần kiêng ăn các loại thức ăn chứa canxi như tôm, cua, ốc, trứng, sữa… và kết hợp uống nhiều nước mỗi ngày sẽ hạn chế được sự gia tăng kích thước viên sỏi. Thế nên, suốt thời gian qua, tôi không dám động đến các loại tôm, cua. Kể cả những lần đi du lịch biển, tôi cũng phải ngậm ngùi nói không với hải sản mặc dù… rất thèm”. Tuy nhiên, ông Hoạt không ngờ rằng, việc “nhịn mồm nhịn miệng” của mình lại khiến ông bị “bệnh chồng bệnh” do cơ thể thiếu hụt một lượng canxi quá lớn.
Trên thực tế, các bác sĩ cho biết, hầu hết các bệnh nhân bị sỏi thận khi được hỏi có ăn tôm, cua không, đều có chung câu trả lời là có hạn chế hoặc không ăn tôm cua trong bữa ăn hàng ngày. Giải đáp về vấn đề này, Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu (Bệnh viện Bưu Điện) cho biết, theo quan niệm trước đây, việc ăn các thức ăn có chứa nhiều canxi (như tôm, cua, fomat, sữa...) sẽ làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Mỹ lại cho thấy kết quả ngược lại. Cụ thể, ở những người ăn nhiều thực phẩm chứa canxi, nguy cơ mắc bệnh sỏi thận lại ít hơn những người ăn kiêng. Bởi lẽ, việc kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa canxi sẽ gây mất cân bằng trong hấp thụ canxi khiến cơ thể hấp thu oxalat nhiều hơn từ ruột và sẽ tạo sỏi thận. Hơn nữa, kiêng cữ thực phẩm chứa canxi sẽ gây nguy cơ bị loãng xương. Do đó, BS Dương Văn Trung khẳng định, ăn thức ăn chứa nhiều canxi không làm gia tăng bệnh sỏi thận mà trái lại, ăn uống kiêng khem quá mức sẽ khiến nguy cơ sỏi thận tăng cao.
“Chỉ riêng trường hợp uống thuốc canxi để phòng chống bệnh loãng xương thì nguy cơ bị sỏi thận mới cao hơn. Lúc này, bệnh nhân cần cân đối giữa bệnh loãng xương và bệnh sỏi thận”, TS.BS Dương Văn Trung nhấn mạnh.
Bên cạnh việc kiêng tôm, cua, TS.BS Dương Văn Trung cho biết, ông cũng nhận được nhiều câu hỏi của bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nam về việc có được uống rượu bia khi bị sỏi thận hay không? Thực tế, theo BS Trung, uống bia giúp tăng bài tiết nước tiểu, hạn chế sỏi thận. Nghiên cứu cho thấy, nếu lượng nước tiểu tăng từ 800 ml đến 1200ml thì sẽ giảm 86% nguy cơ tạo sỏi. Tuy nhiên, người bệnh không nên uống quá nhiều rượu bia cùng một lúc. Chẳng hạn, mỗi ngày chỉ nên nhâm nhi 1-2 chén nhỏ rượu hoặc uống khoảng 6 lon bia hay 6 ly rượu vang trong 1 tuần. Mỗi lần không nên uống quá 3 lon bia hoặc 3 ly rượu vang để không gây hại cho cơ thể.
Cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ
Để phòng bệnh sỏi thận, BS Dương Văn Trung khuyến cáo, cơ chế hình thành sỏi thận là một quá trình chuyển hóa phức tạp, chúng ta không thể ngăn hoàn toàn được bệnh sỏi thận, nhưng có thể hạn chế được nó thông qua chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hàng ngày. Theo BS Dương Văn Trung, có 5 loại sỏi thận là sỏi oxalate canxi chiếm tỷ lệ 85%, có màu vàng hoặc đen, dạng cứng; phốt phát canxi màu trắng, nhiều lớp, dạng mềm; sỏi struvit hay còn gọi là sỏi bùn, mềm và đen bẩn như bùn đất; sỏi acid uric màu vàng nâu, gặp ở những bệnh nhân bị bệnh Goutte và sỏi systine màu trắng ngà, cứng, thường gặp người châu Âu.
Do đó, dựa trên các thành phần hóa học của mỗi loại sỏi để chúng ta có thể hạn chế ăn các thức ăn chứa nhiều các thành phần đó. Cụ thể, nên hạn chế các thực phẩm chứa oxalate như: Chocolate, trà, hạt hạnh nhân...; không ăn nhiều thịt (protein), đặc biệt ở những người bệnh Goutte sẽ làm tăng acid uric máu, gây tạo sỏi. Ngoài ra không ăn quá mặn vì nếu ăn mặn (có nhiều natri) sẽ làm tăng canxi trong máu và nước tiểu. Nếu tăng 100mmol muối trong thức ăn thì nước tiểu bài tiết tăng 25mg canxi. Hơn nữa, nếu ăn tăng natri sẽ làm giảm citrat (chất ngăn tạo sỏi). Do đó, tốt nhất, lượng muối ăn hàng ngày nên nhỏ hơn 2g để không gây hại cho thận. Mặt khác, cần tăng cường ăn các loại cam, quýt, chanh, cà chua vì có chứa nhiều chất citrat ngăn ngừa quá trình tạo sỏi. Đối với các chế phẩm sữa, người bệnh vẫn có thể sử dụng được nhưng cần chú ý tránh pha sữa ở nhiệt độ cao (trên 50 độ C) và phải thường xuyên định kỳ kiểm tra nồng độ canxi trong máu.
Bên cạnh đó, theo BS Dương Văn Trung, bổ sung nhiều nước là một trong những việc làm vô cùng quan trọng đối với những bệnh nhân sỏi thận, tốt nhất nên uống trên 2 lít nước mỗi ngày. Nhiều nghiên cứu cho thấy, riêng việc uống nhiều nước đã giúp hạn chế được 50% sỏi thận tái phát. Đồng thời kết hợp chế độ tập luyện, sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya để hạn chế quá trình lắng đọng nước tiểu trong cơ thể, giảm nguy cơ tạo sỏi.
BS Dương Văn Trung cho biết thêm, tùy theo kích thước, vị trí và biến chứng của sỏi gây ra mà bác sĩ có các chỉ định can thiệp lấy sỏi khác nhau. Có trường hợp phải can thiệp cấp cứu để lấy sỏi ngay. Số khác lại có thể trì hoãn lấy sỏi nghĩa là can thiệp lấy sỏi chủ động theo lịch như mổ lấy sỏi hoặc tán sỏi. Vài trường hợp không cần can thiệp gì đối với sỏi nhỏ (nhỏ hơn 1cm) không gây các biến chứng. Trong trường hợp này, bệnh nhân không nên quá lo lắng, chỉ cần tuân thủ thăm khám định kỳ ít nhất một lần/năm để các bác sĩ theo dõi tiến triển của sỏi, kịp thời đưa ra phương pháp xử lý nếu thấy sỏi gia tăng về kích thước, gây hại đến cơ thể.
Theo TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu (Bệnh viện Bưu điện) thì trước đây, mổ mở hầu như là giải pháp duy nhất để lấy sỏi ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này ngoài việc gây đau đớn cho bệnh nhân còn để lại những hệ lụy khác như dính sau mổ, thành bụng yếu và chức năng thận giảm. Hiện nay, khoa học phát triển, việc lấy viên sỏi ra khỏi cơ thể đã trở nên “nhẹ nhàng” hơn. Cụ thể, có thể điều trị nội khoa như dùng thuốc uống để sỏi tự đào thải ra; tán sỏi ngoài cơ thể (phá sỏi từ ngoài cơ thể, sỏi vỡ và tự đào thải ra ngoài qua nước tiểu); tán sỏi nội soi ngược dòng (phá sỏi trong cơ thể, nội soi từ đường tiểu đi lên và gắp các mảnh sỏi ra); tán sỏi qua da (tạo một đường hầm xuyên qua da tới vị trí sỏi, phá sỏi, lấy các mảnh sỏi ra ngoài qua đường hầm) và mổ nội soi (mổ nội soi 1 lỗ hoặc 3 lỗ: chọc 1 hay 3 lỗ trên cơ thể, mổ nội soi, rạch bể thận hay niệu quản lấy viên sỏi ra).
Theo Mai Thùy (Giadinh.net.vn)