Mới đây vụ việc ông chủ café Trung nguyên nổi tiếng Đặng Lê Nguyên Vũ nhịn ăn và thiền suốt 49 ngày để tăng cường sức khỏe, tịnh tâm khiến nhiều người tò mò về phương pháp đặc biệt này.
Thực tế phương pháp nhịn ăn để chữa bệnh đã có từ thời kỳ cổ xưa và xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới như Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ.
Ở mỗi nơi đều có những cách nhịn ăn khác nhau như nhịn ăn trong 24 tiếng, 36 tiếng, 1 tuần, hay nhịn ăn hoàn toàn (nhịn ăn và uống) hoặc nhịn ăn nhưng vẫn uống nước,… Và mỗi người đều nhịn ăn vì những mục đích khác nhau như do tôn giáo, vì muốn giảm cân hay thậm chí là nhịn ăn để chữa bệnh.
Nhịn ăn là gì?
Nhịn ăn là không ăn bất cứ thức ăn gì dưới dạng rắn và lỏng, chỉ uống nước lấy từ trong thiên nhiên hoặc nước đun sôi để nguội. Nếu như có dùng xen vào một vài loại thức ăn nào đó, dù rất ít như sữa, nước sâm,… thì không gọi là nhịn ăn mà đó là ăn kiêng.
Trong khoa học yoga, nhịn ăn có nhịn khô (nhịn ăn và nhịn uống), hoặc nhịn ăn có uống nước.
Theo quan điểm của không ít người nhịn ăn có thể chữa trị được nhiều bệnh, dựa trên những câu chuyện về những người thiền, không ăn không uống mà vẫn khỏe mạnh. Vậy liệu nhịn ăn có thực sự chữa được bệnh?
Nhịn ăn có thể chữa bệnh hay không?
Khi bạn nhịn ăn một thời gian, cơ thể sẽ dần có sự thay đổi. Ví dụ như có thể sẽ bắt đầu quá trình sửa chữa lại các tế bào, thay đổi hormone trong cơ thể để có thể dự trữ được chất béo.
Lượng máu trong cơ thể cũng giảm đáng kể, tạo điều kiện để đốt cháy chất béo. Khi nhịn ăn, huyết thanh tăng trưởng trong máu có thể tăng gấp 5 lần để giúp đốt chất béo và tăng cường cơ.
Ngoài ra, cơ thể cũng sẽ bắt đầu quá trình sửa chữa tế bào, chẳng hạn như loại bỏ các chất thải từ tế bào. Một số gen và các phân tử liên quan tới tuổi thọ và chống lại bệnh tật cũng có sự thay đổi.
Những lợi ích của việc nhịn ăn liên tục hầu hết đều liên quan tới sự thay đổi về hormone, biểu hiện gen và chức năng tế bào.
Vì cơ thể không thể lấy năng lượng từ thực phẩm khi chúng ta nhịn ăn, vì thế nó sẽ chuyển sang tiêu thụ glucose được lưu trữ trong gan và cơ. Hoạt động này sẽ bắt đầu khoảng 8 giờ sau bữa ăn cuối cùng. Khi lượng glucose lưu trữ đã được sử dụng hết, cơ thể sẽ bắt đầu đốt cháy chất béo như một nguồn năng lượng thay thế, do đó có thể dẫn đến việc giảm cân.
Tiến sĩ Razeen Mahroof của Đại học Oxford gải thích rằng việc sử dụng chất béo như là nguồn năng lượng cho cơ thể sẽ giúp duy trì hoạt động cơ bắp và giảm mức cholesterol.
“Quá trình giải độc cũng sẽ diễn ra bởi bất cứ độc tố nào tích trữ trong chất béo của cơ thể sẽ được giải phóng ra ngoài”, Tiến sĩ Razeen nói thêm, “Và sau một vài ngày không ăn, lượng endorphin cũng tăng cao khiến chúng ta cảm thấy phấn chấn, hạnh phúc”.
Nghiên cứu của tiến sĩ Longo cùng các cộng sự cũng cho thấy việc nhịn ăn kéo dài có hiệu quả trong việc tái tạo các tế bào miễn dịch. Tiến sĩ Longo giải thích: “Khi bạn nhịn ăn, cơ thể sẽ cố gắng tiết kiệm năng lượng và một trong những cách để tiết kiệm đó chính là tái tạo các tế bào miễn dịch, đặc biệt là những tế bào có thể bị tổn thương.”
Trong nghiên cứu của Tiến sĩ được công bố trên tạp chí Cell Stem Cell, các nhà khoa học nhận thấy rằng cứ lặp lại chu kỳ nhịn ăn khoảng 2-4 ngày trong suốt 6 tháng đã phá hủy các tế miễn dịch từng bị hư hỏng trước đây và tái tạo ra các tế bào mới dựa trên thí nghiệm bằng chuột bạch.
Hơn nữa, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy những bệnh nhân ung thư nhịn ăn trong 3 ngày trước khi hóa trị cũng được bảo vệ tốt hơn trước những phản ứng phụ của phương pháp điều trị.
Tiến sĩ Longo cho hay: “Cơ thể đã giúp giải phóng những phần tử bị hư hại hoặc không còn hiệu quả khi chúng ta nhịn ăn. Nếu cơ thể bạn đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi biện pháp hóa trị thì bạn có thể nhịn ăn để giúp cơ thể tạo ra hệ thống miễn dịch mới”.
Với những lợi ích sức khỏe của việc nhịn ăn, các chuyên gia dinh dưỡng trên khắp thế giới cũng cho rằng việc nhịn ăn không hẳn là điều có hại. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thì không phải bất cứ ai cũng có thể nhịn ăn và nhịn ăn cũng không phải cách để trị bách bệnh.
Nguy hại khi nhịn ăn lâu dài
Theo cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) có rất nhiều nguy cơ về sức khỏe khi chúng ta nhịn ăn trong thời gian dài.
Điều đầu tiên có thể nhận thấy khi nhịn ăn đó chính là cơ thể bị chứng mất nước vì không nhận được bất cứ chất lỏng nào từ thực phẩm. Những người theo các tôn giáo có truyền thống nhịn ăn thường sẽ phải tiêu thụ rất nhiều chất lỏng trước khi thực hiện quá trình nhịn ăn trường kỳ. Ngoài ra trong thời gian ăn kiêng, họ cũng vẫn bổ sung nước khi cần.
Nếu bạn đang có một chế độ ăn hợp lý đủ bữa sáng, trưa, tối vầ ăn nhẹ thì việc ăn kiêng thật sự là một thử thách. Bởi nó có thể làm tăng mức độ căng thẳng, phá vỡ giấc ngủ. Mất nước hoặc đói, thiếu ngủ trong giai đoạn nhịn ăn cũng có thể dẫn tới chứng nhức đầu.
Nhịn ăn cũng có thể gây ra chứng ợ nóng, thiếu thức ăn làm giảm axit trong dạ dày để tiêu hóa thức ăn và tiêu diệt vi khuẩn. Nếu trong thời gian nhịn ăn, chúng ta chỉ cần có chút suy nghĩ về đồ ăn có thể khiến não bộ thông báo cho dạ dày sản xuất nhiều axit hơn. Từ đó dẫn đến việc ợ nóng.
Mặc dù có không ít chuyên gia dinh dưỡng cho biết việc nhịn ăn không liên tục là một cách tốt để giảm cân nhưng cũng có những người cho rằng ăn kiêng như vậy không hiệu quả đối với việc giảm cân lâu dài.
Tiến sĩ Madelyn Fernstrom làm việc tại Trung tâm quản lý giảm cân của trường đại học Pittsburgh cho hay: “Ăn kiêng có thể giảm cân rất nhanh nhưng là giảm chất lỏng trong cơ thể chứ không phải cân nặng. Nếu thứ gì nhanh chóng mất đi thì cũng có thể quay trở lại rất nhanh ngay khi bạn bắt đầu ăn uống bình thường.”
Một số chuyên gia y tế cũng cho rằng việc nhịn ăn liên tục có thể dẫn tới việc mọi người thiếu ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như bỏ qua việc bổ sung rau mỗi ngày. Hơn nữa, những người bị rối loạn ăn uống không nên nhịn ăn bởi có thể khiến vấn đề thêm trầm trọng.
Những người thiếu cân, dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và những người đang hồi phục sau phẫu thuật tuyệt đối không nên ăn kiêng
Theo Minh Minh (Khampha.vn)