Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin chia sẻ về việc ăn cả cân vải mà không sợ nóng nếu uống ngay ly nước đậu đen (có thể thay bằng nước bí đao, đậu xanh) sau ăn. Trước thông tin trên, các chuyên gia đông y cho rằng đó chỉ là kinh nghiệm của một số người, về mặt khoa học, việc làm trên không nên áp dụng vì có thể gây ra những bất lợi cho sức khỏe.
Thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hà Nội) cho biết quả vải có tính nóng, vị ngọt vì thế không nên ăn nhiều, nhất là với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ hoặc người có cơ địa hay bị rôm sảy, mụn nhọt. Bởi vì ăn nhiều vải dễ làm mất cân bằng nhiệt trong cơ thể, gây nhiệt miệng, mụn nhọt…
“Việc ăn cả cân vải là điều tuyệt đối không nên dù sau đó có uống bất kể loại nước mát gì hay thậm chí ngồi trong điều hòa. Một người trưởng thành chỉ nên ăn tối đa 10 quả vải, khi ăn lưu ý cần ăn cả lớp vỏ lụa bên trong quả vải để giảm bớt tính nóng của vải”, lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo.
Đối với thông tin uống nước đậu đen, bí đao sau khi ăn vải làm giảm tính nóng, vị chuyên gia này cho rằng về lý thuyết điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi đậu đen, đậu xanh hay bí đao có tác dụng thanh nhiệt khi nấu thành nước uống hoặc chế biến thành các món ăn. Tuy nhiên, nó chỉ có tác dụng nếu ăn số lượng vải vừa đủ như khuyến cáo.
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, theo y học cổ truyền, bí đao hay còn gọi là bí xanh có tính mát, vị ngọt, không độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng…Tương tự, đậu đen và đậu xanh cũng có tính mát, tính hàn, thanh nhiệt, lợi tiểu, mát gan…
Nhìn chung đây đều là những vị thuốc, thực phẩm được khuyến khích sử dụng với lượng vừa đủ trong mùa hè nắng nóng. Tuy nhiên, việc giảm nóng cần nhiều yếu tố kết hợp khác chứ không thể chỉ uống các loại nước trên, vì thế việc người dân ăn cả cân vải rồi uống nước đậu đen giải nóng chắc chắn không có tác dụng như mong muốn.
Để hạn chế tính nóng hoặc bị say khi ăn vải, lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo người dân nên:
- Ăn với lượng vừa đủ, chỉ khoảng dưới 10 quả mỗi lần ăn với người lớn;
- Nên ăn cả lớp màng trắng bên trong quả vải;
- Có thể ngâm nước muối, nước lạnh (nước đá) cả quả vải trước khi ăn. Việc ngâm nước muối giúp loại bỏ những tạp chất, đặc biệt có loại nấm mốc ở bề ngoài quả vải để tránh ngộ độc.
- Không ăn vải khi bụng đang đói;
- Trước khi ăn vải có thể uống chút nước muỗi pha thật loãng;
Một số bài thuốc có thể tham khảo từ quả vải:
- Đau bụng, buồn nôn: đem hạt vải nướng chín, bóc vỏ ngoài, ăn với số lượng khoảng 6-8g/lần, ngày 2 lần.
- Đau dạ dày: Hạt vải 3g (chế như trên), mộc hương 2g. Tán bột mịn, uống với nước ấm. Ngày làm 2-3 lần.
- Đau bụng kinh hoặc đau bụng sau sinh: Hạt vải đốt tồn tính 20g, hương phụ 40g tán bột mịn, ngày 6-8g uống với nước muối loãng hoặc nước cơm. Ngày dùng 2 lần.
- Phụ nữ đau bụng dưới (đau phần phụ) như kim châm: Hạt vải thái phiến, sao đen, đại hồi vi sao đồng lượng (4-8g) tán bột mịn, uống với rượu ấm, ngày 3 lần. Uống nhiều ngày cho tới khi hết các triệu chứng.
- Tiêu chảy do tỳ hư: Quả vải 7 quả, đại táo 5 quả. Sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
- Trị nấc: Quả vải 7 quả, gừng tươi 6g, đường đỏ 4g. Sắc uống.
- Răng sưng đau: Quả vải xanh, thêm ít muối ăn hoặc đốt tồn tính, tán mịn, xát vào chân răng.
Theo Lê Phương. (thoidaiplus.giadinh.net.vn)