Sốt xuất huyết dễ lan rộng thành dịch trong thời tiết giao mùa
Thời tiết giao mùa là giai đoạn vô cùng thuận lợi cho muỗi sinh sôi, nảy nở và đó cũng là cơ hội cho dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng. Trước tình hình đó, cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) khuyên, mọi người nên chú ý mặc quần áo dài tay, khi ngủ cho trẻ ngủ trong màn, không cho trẻ ở nơi ẩm thấp, tối tăm để tránh muỗi đốt. Thường xuyên diệt muỗi bằng các liệu pháp như phun diệt muỗi quanh nhà, dùng vợt điện bắt muỗi...
Để biết mình có mắc bệnh sốt xuất huyết không, người dân cần chú ý nhận biết qua các dấu hiệu qua 2 thể sau:
Ở thể bệnh nhẹ: bệnh nhân có triệu chứng:
- Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt.
- Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.
- Có thể có nổi mẩn, phát ban.
Ở thể bệnh nặng: bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).
- Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Việc phát hiện sớm và điều trị bằng thuốc Đông y đúng cách sẽ giúp bạn nhanh chóng chặn đứng bệnh sốt xuất huyết. Lương y Bùi Hồng Minh khẳng định, người dân mắc sốt xuất huyết thể I, II (mới bị, tình trạng bệnh nhẹ) có thể áp dụng những bài thuốc dưới đây.
6 bài thuốc trị bệnh sốt xuất huyết độ I, II dứt điểm được chuyên gia Đông y "bật mí"
Theo lương y Bùi Hồng Minh, khi xuất hiện những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, người dân có thể áp dụng một trong những bài thuốc sau sao cho phù hợp nhất với tình trạng bệnh của mình:
Bài 1
- Lá cúc tần 12g, cỏ nhọ nồi 16g, mã đề 16g, sắn dây củ 20g, trắc bách diệp (sao đen) 16g, rau má 16g, lá tre 16g, gừng tươi 3 lát. Nếu không có lá trắc bách diệp có thể thay thế bằng lá sen sao đen 12g hoặc kinh giới sao đen 12g. Không có sắn dây thay bằng lá dâu 16g.
- Cách dùng: Toàn bộ số thuốc trên rửa sạch (trừ thuốc được sao) cho vào ấm, đổ 600ml nước đun sôi 30 phút sau đó đổ vào phích để ấm, ngày uống 3 lần.
Bài 2
- Cỏ nhọ nồi 20g, rễ cỏ tranh 20g, sài đất 20g, hòe hoa sao vàng 12g, cối xay sao vàng 8g, kim ngân (hoa, lá, cuống) 12g, hạ khô thảo 12g, gừng tươi 3 lát. Nếu không có hạ khô thảo thì thay bằng bồ công anh 12g.
- Cách dùng: Toàn bộ thuốc trên rửa sạch (trừ hòe hoa) cho vào ấm, đổ 600ml nước, đun sôi 30 phút, để ấm uống 3 lần trong ngày.
Bài 3
- Cỏ nhọ nồi 20g, cam thảo 6g, hoạt thạch 12g, mã đề 16g, gừng tươi 3 lát. Nếu không có hoạt thạch thay bằng lá cối xay 12g. Không có mã đề thay bằng lá tre 16g.
- Cách dùng: Tất cả rửa sạch trừ cam thảo, hoạt thạch, cho vào ấm đổ 600ml nước, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.
Bài 4
- Hoạt thạch 240g, cam thảo 40g.
- Tất cả đều tán bột, sắc với 1,5 lít nước, đun sôi 30 phút để lắng, chắt ra chia 4 lần uống trong ngày. Uống thấy hết sốt thì dừng ngay.
Lưu ý
Từ bài 1 đến bài 4 có thể áp dụng dùng cho trẻ nhỏ nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ Đông y vì sẽ có điều chỉnh liều lượng tùy thuộc vào từng độ tuổi của trẻ cũng như vấn đề sức khỏe của từng trẻ. Bài 1 đến bài 4 có thể chữa sốt xuất huyết ở mọi độ tuổi nhưng chỉ chữa sốt xuất huyết độ I (nhiệt tà độc xâm phạm phần vệ khí).
Bài 5
- Bột sừng tê giác 4g, đan bì 10g, thược dược 12g, sinh địa 30g. Nếu không có sừng tê giác thì lấy chóp sừng trâu tán bột 40g.
- Cách dùng: Mỗi lần sắc thuốc thì đổ 500ml, sắc cạn còn 300ml. Mỗi ngày sắc 2 lần, chia 4 lần uống.
- Lưu ý: Bài thuốc chủ trị các chứng xuất huyết, nôn ra máu, chảy máu mũi, băng huyết, tiểu tiện ra máu, sốt cao, nhiệt nhập phần huyết (sốt xuất huyết độ II) - nhiệt tà độc đã xâm phạm phần dinh huyết, lạc.
Bài 6
- Cam thảo 6g, cát cánh 10g, hoàng cầm 12g, huyền sâm 12g, xuyên hoàng liên 8g, sừng tê giác 4g, đan bì 10g, tri mẫu 12g, liên kiều 10g, trúc diệp 15g, sinh thạch cao 20g.
- Cách dùng: Thạch cao cho vào nấu trước, bỏ bọt sau cho thuốc vào sắc, sừng tê giác mài riêng và hòa vào thuốc uống. Mỗi lần sắc thì đổ 600ml nước, sắc cạn còn 200-250ml, đem chắt ra uống. Mỗi ngày uống 3 lần, ngày sắc 2-3 lần.
- Lưu ý:
Bài thuốc chủ trị phần biểu và lý đều có nhiệt, tạng táo, tâm phiền, miệng khô khát, họng đau, nôn ra máu, chảy máu cam, mất ngủ, phát ban.
Nếu xuất hiện tình trạng chảy máu răng thì thêm trắc bách diệp sao cháy 15g, gừng nướng cháy 8g.
Tiểu tiện ra máu thêm chi tử, bạch mao căn sao cháy, mỗi vị 12g.
Đại tiện ra máu thêm đại hoàng sao đen 10g, hạn liên thảo sao đen 12g.
Phát ban thêm bản lam căn 12g, thuyền thoái 8g, bạch cương tàm 10g.
Lương y Bùi Hồng Minh khuyên, người dân nên căn cứ cụ thể vào tình trạng sốt xuất huyết của mình là độ I hay độ II để bốc thuốc cho đúng bằng cách thăm khám bởi chuyên gia Đông y. Các bài thuốc cần căn cứ vào tình hình cây thuốc của địa phương, tránh mất nhiều thời gian, công sức tìm vị thuốc điều trị sốt xuất huyết trong Đông y.
Khi thấy xuất hiện dấu hiệu nặng như khó thở, nôn ra máu, chảy máu nhiều bất thường, đau bụng dữ dội, co giật, rối loạn ý thức, người xanh tím tái... cần nhanh chóng đưa vào bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo TH (Nhịp Sống Việt)