Thói quen rửa bát đũa tưởng sạch, hóa ra lại 'rước bệnh' cho cả gia đình

15/02/2023 15:43:25

Ngâm bát đĩa trong bồn rửa hoặc máy rửa chén có thể làm sinh sôi các loại vi khuẩn, nấm, gây tiêu chảy, ngộ độc, làm tăng khả năng nhiễm bệnh ở người có hệ miễn dịch kém.

Một số gia đình có thói quen ngâm bát đĩa trong bồn rửa, phần vì bận rộn, phần vì cho rằng ngâm nước trước giúp dễ dàng đánh sạch các vết bẩn hơn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Australian Broadcasting Corporation, việc ngâm bát đĩa lâu trong bồn rửa có thể khiến chúng bẩn hơn.

Bát đĩa để lâu tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt nếu chúng được ngâm trong nước ấm hoặc ở nhiệt độ cao. Thông thường, vi khuẩn trong thực phẩm sinh sôi gấp đôi sau mỗi 20 phút. Tốc độ tăng trưởng của chúng cao hơn sau hai giờ. Vi khuẩn có thể nhân lên hàng nghìn tỷ trong 24 giờ.

"Nếu ngâm bát đĩa bẩn ở bồn rửa trong khi nhà vẫn đang có người hoặc động vật, vi khuẩn có khả năng lây lan ra xung quanh, bám vào các vật chủ đó. Chúng tồn tại trên bề mặt, ngay cả bề mặt sạch sẽ, trong tối đa 4 ngày. Ở môi trường ô nhiễm, chúng có thể sống trong thời gian dài hơn", PGS Barbara Mullan (Đại học Curtin) cho biết.

Thói quen rửa bát đũa tưởng sạch, hóa ra lại 'rước bệnh' cho cả gia đình

Vi khuẩn có hại trong bồn rửa có thể đến từ nhiều nguồn. Bát đĩa hoặc hải sản sống thường có khuẩn E. coli hoặc salmonella sót lại. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị rửa bát đũa, dao thớt chế biến đồ sống ngay sau khi sử dụng để tránh mầm bệnh lây lan.

Vi khuẩn cũng có thể bắt nguồn từ trái cây, rau, sữa, thậm chí đường ống nước. Trong bồn rửa nhà bếp, lượng vi khuẩn nhỏ sẽ sinh sôi nhanh chóng, bởi đây là môi trường ấm áp, ẩm ướt, chứa đầy chất dinh dưỡng từ các mảnh vụn thức ăn còn sót lại. Nói cách khác, đây là môi trường thuận lợi dành cho vi khuẩn.

Các vi khuẩn phổ biến khác được tìm thấy trên bát đĩa bẩn là pseudomona, escherichia và acineto. Chúng được gọi là những mầm bệnh cơ hội, không gây hại cho người bình thường, song có thể lây nhiễm cho người có hệ miễn dịch và tiêu hóa yếu.

Việc ngâm bát đĩa bẩn qua đêm thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Nước đọng trong bồn rửa có thể là môi trường để các loại ruồi muỗi đẻ trứng. Bát đĩa bẩn gây ngộ độc thực phẩm, các bệnh về tiêu hóa và làm lây nhiễm chéo.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị không để bát đĩa quá lâu trong máy rửa bát. Môi trường trong máy rửa bát liên tục thay đổi, về độ ẩm, khô, nóng, lạnh, độ oxit, khiến chúng trở thành nơi lý tưởng cho các sinh vật sinh sống. Các loại nấm như candida, cryptococcosis và rhodotorula thường được sinh ra do bát đĩa bẩn để lâu trong máy rửa bát.

Những thói quen xấu khác khi rửa bát

Cọ xát cả đống đũa vào nhau

Nhiều người có thói quen cọ xát cả đống đũa vào nhau vì nghĩ rằng vừa nhanh, tiện lợi lại sạch sẽ. Tuy nhiên cách làm này sẽ làm hỏng lớp bảo vệ bên ngoài của đũa, vô tình tạo những vết nứt nhỏ khiến bề mặt đũa trở nên thô ráp, trở thành môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển. Cách làm này có thể lây nhiễm chéo các vi sinh vật có hại hoặc bệnh truyền nhiễm từ đũa người này sang đũa người khác.

Cách làm đúng: Dùng miếng rửa bát rửa sạch từng chiếc đũa để loại bỏ dầu mỡ và bọt xà phòng bám trên đó. Nếu đũa dính chất nhờn khó làm sạch, có thể dùng nước nóng tráng qua trước, sau đó rửa sạch lại rồi lau khô hoặc phơi nắng.

Thói quen rửa bát đũa tưởng sạch, hóa ra lại 'rước bệnh' cho cả gia đình - 1

Cất bát đũa khi chưa khô

Không lau hoặc phơi khô bát đũa trước khi cất sẽ tạo ra môi trường ẩm ướt- thiên đường cho những loại vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Ngoài ra còn sản sinh ra chất gây ung thư nghiêm trọng khác là aflatoxin.

Cách làm đúng: Sau khi rửa sạch đũa, nên lau khô và phơi nắng. Đem cất ở nơi khô ráo, thoáng mát, đồng thời nên chọn giỏ đựng đũa có lỗ thoáng khí, thoáng nước.

Đổ trực tiếp nước rửa bát lên bát đĩa bẩn

Chất tẩy rửa cho trực tiếp vào bát đĩa sẽ không giúp tẩy sạch dầu mỡ hơn, mà còn gây lãng phí rất nhiều nước, đồng thời lạm dụng chất tẩy rửa. Nếu sau đó rửa không kỹ, chất tẩy rửa còn bám dính trên bát đĩa sẽ xâm nhập vào cơ thể, gây một số triệu chứng của đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng...

Cách làm đúng: Pha loãng chất tẩy rửa cùng với một ít nước, dùng hỗn hợp này rửa bát, nhằm đảm bảo sự an toàn.

Lạm dụng chất tẩy rửa

Trong chất tẩy rửa thường có phụ gia nhân tạo, và vẫn còn nghi ngờ về dư lượng phụ gia khi sử dụng quá mức.

Cách làm đúng: Có thể tận dụng các chất tẩy rửa tự nhiên như nước vo gạo, muối hoặc vỏ chanh. Nếu dùng nước rửa bát đĩa, nên tráng bát đĩa nhiều lần dưới vòi nước.

Thói quen rửa bát đũa tưởng sạch, hóa ra lại 'rước bệnh' cho cả gia đình - 2

Lâu không thay miếng rửa bát

Theo một nghiên cứu của Charles Gerba – nhà vi sinh vật học tại Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy, trung bình sẽ có khoảng 10 triệu vi khuẩn/2.54cm2 trong mỗi miếng rửa chén nhưng bồn cầu chỉ tầm 50 vi khuẩn/2.54cm2 mà thôi. Chưa kể chúng còn phát triển và phân chia mỗi 20 phút, làm miếng rửa chén bẩn gấp 200.000 bồn cầu và gấp 20.000 lần khăn lau bếp. Vi khuẩn trên miếng rửa bát càng nhiều, thì tỷ lệ nhiễm bệnh càng lớn.

Cách làm đúng: Hai tuần một lần nên thay miếng rửa bát mới. Trong nhà bếp, khăn lau cũng nên phân loại, cái nào dùng lau tay, cái nào dùng lau bếp, tránh vi khuẩn lan truyền lẫn nhau. Miếng rửa bát sau khi rửa xong cũng phải phơi khô thật kỹ.

PN (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật