PGS Nguyễn Anh Tuấn – Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hoá, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết các nghiên cứu cho thấy những người ăn nhanh có xu hướng nặng hơn và tăng cân nhiều hơn so với những người ăn chậm hơn.
Theo PGS Tuấn, khi nói đến hệ tiêu hoá, chúng ta thường chỉ nhắc tới hệ thống dạ dày ruột mà quên điểm khởi đầu là miệng. Miệng nhai có vai trò rất quan trọng cho hệ tiêu hoá vì nhai, cử động lưỡi giúp thức ăn được các enzym tiêu hoá hoà vào và giúp thức ăn đi xuống thực quản dạ dày.
Sau khi tiêu hoá dạ dày thì thức ăn tiếp tục di chuyển và phân huỷ. Vì vậy, miệng và dạ dày là hai cơ quan nghiền nát và tăng enzym cho thức ăn. Nhai là khởi đầu của quá trình tiêu hoá, dù đơn giản nhưng đem lại lợi ích tiêu hoá thức ăn và sức khoẻ.
Nhai kỹ là nhai thức ăn khoảng 32 lần trước khi nuốt với thức ăn thông thường như cơm, bánh mì. Nếu ăn cháo, súp thì có thể nhai nhanh hơn. Còn ăn các loại thịt thì có thể nhai lâu hơn. Khi bạn cảm giác thức ăn đã nhuyễn trong miệng thì có thể thức ăn đã được nhai kỹ.
PGS Tuấn cho biết nhai nhanh hoặc nuốt chửng thức ăn sẽ ảnh hưởng tới quá trình tiêu hoá. Nhai không kỹ ảnh hưởng tới sự phân huỷ của thức ăn, các thành phần dinh dưỡng chỉ được hấp thu 1 lần. Người nhai nhanh tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhai không kỹ là thủ phạm gây ra tình trạng thừa cân béo phì.
Đến nay, nhiều nghiên cứu cho rằng người ăn nhanh thường có cân nặng tăng, béo hơn người nhai kỹ. Khi ăn nhanh, hormone từ đường ruột tiết ra không kịp làm tăng cân, khó kiểm soát cân nặng, tạo ra tình trạng căng thẳng khi ăn quá no, stress tâm lý, mệt mỏi toàn thân.
Với động tác nhai kỹ, bạn lại nhận được vô vàn lợi ích:
Thứ nhất, tác dụng đầu tiên là giảm cân. Ăn chậm nhai kỹ giúp bạn ăn ít và no lâu hơn sau một bữa ăn, đường ruột của bạn sẽ kìm hãm hoạt động của hormone Ghrelin nhằm kiểm soát cơn đói, đồng thời cũng giải phóng các hormone tạo cảm giác no. Những hormone này cho bộ não biết được rằng bạn đã ăn no, từ đó làm giảm sự thèm ăn, khiến bạn cảm thấy no và giúp bạn ngừng ăn.
Quá trình này mất khoảng 20 phút để hoàn thành. Vì vậy, ăn chậm sẽ mang đến cho bộ não thời gian cần thiết để nhận được những tín hiệu trên.
Thứ hai, nhai chậm giúp phá vỡ phần tử thức ăn nhỏ ra, giúp tiêu hoá hấp thụ tốt hơn. Khi nhai, nước bọt được giải phóng sẽ giúp tăng lượng enzyme tiêu hóa, kích thích dạ dày sản xuất acid nhiều hơn để phân hủy thức ăn. Đặc biệt, lúc này, các tế bào thành dạ dày cũng sản xuất ra acid hydrochloric thúc đẩy tiêu hoá đúng cách. Khi không có đủ enzyme và acid dạ dày thì cơ thể của bạn không có khả năng để phân hủy các chất dinh dưỡng và các acid amin từ protein trong thực phẩm một cách tối ưu.
Thứ ba, nhai chậm giúp giảm nguy cơ nhiễm độc. Khi nhai không đúng cách, ăn quá nhanh, nếu thức ăn có nhiễm độc thì bạn sẽ hấp thu nhiều chất độc trong thực phẩm.
Thứ tư, nhai kỹ làm bài tập cho răng miệng, nước bọt tiết ra sẽ giúp làm sạch miệng, mang lại cảm giác thích thú khi ăn. Nếu ăn nhanh thì bạn chưa cảm nhận được ngon miệng thì thức ăn đã nuốt xuống thực quản.
Theo Ngọc Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)