Thiếu nữ 17 phát hiện 2 khối u ở ngực, căn bệnh hơn 80% phụ nữ Việt mắc phải

21/03/2019 08:50:51

Cô gái trẻ sờ thấy 2 bên vú có vùng cứng bất thường và cứ ngày một to, khi đi khám, bác sĩ xác định khối u đã 3-4 cm.

80% phụ nữ mắc các bệnh lý lành tính tuyến vú

TS.BS Nguyễn Thu Hương, Trưởng nhóm chẩn đoán hình ảnh vú, Trung tâm Điện quang, BV Bạch Mai cho biết, thiếu nữ 17 tuổi ban đầu phát hiện vú phải có cục cứng, sau phát hiện thêm bên vú còn lại nhưng nghĩ vòng 1 đang phát triển nên không để ý.

Tuy nhiên khối nhân cứng ngày càng to, chuyển hồng đỏ nên thiếu nữ được mẹ đưa đến BV Bạch Mai thăm khám. Khi siêu âm, bác sĩ phát hiện cô gái trẻ có 2 khối u xơ 2 bên, mỗi bên lại có thêm 2-3 khối xơ nhỏ, kích thước mỗi bên 3-4 cm. Bệnh nhân sau đó được điều trị hút chân không loại bỏ khối u xơ.

Thiếu nữ 17 phát hiện 2 khối u ở ngực, căn bệnh hơn 80% phụ nữ Việt mắc phải
U xơ tuyến vú là một trong những bệnh hay gặp nhất ở phụ nữ

TS Hương cho biết, tỉ lệ phụ nữ mắc các bệnh lý lành tính tuyến vú ngày càng tăng, tỉ lệ chung khoảng 70-80%, trải đều theo suốt vòng đời của người phụ nữ ở mọi độ tuổi.

Các bệnh lý tuyến vú lành tính hay gặp nhất là u xơ, u nhú, u nang, trong đó tổn thương u xơ vú hay gặp nhất, chiếm 80% các bệnh lý tuyến vú lành tính.

U xơ tuyến vú hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi dậy thì và giai đoạn trước sinh đẻ hoặc ở những phụ nữ trung niên, mãn kinh do rối loạn nội tiết. Theo số liệu thống kê tại Bạch Mai, độ tuổi hay bị u xơ nhiều nhất là dưới 30 tuổi, chiếm trên 50%.

Đặc điểm của u xơ vú là bệnh nhân có một hoặc nhiều u, có thể sưng, đau nhưng người bệnh thường chủ quan không đi khám ngay mà thường để một vài tháng khi có dấu hiệu khó chịu mới đi khám và điều trị nên khi đến viện, hầu hết khối u đã to, có trường hợp 5-7 cm.

Hút khối u thay vì phẫu thuật

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, trước đây, để phẫu thuật lấy các u xơ trong vú, bác sĩ phải rạch trực tiếp lên vú, kích thước đường rạch tương đương kích cỡ khối u để bóc sạch u. 

Thiếu nữ 17 phát hiện 2 khối u ở ngực, căn bệnh hơn 80% phụ nữ Việt mắc phải - 1
BS theo dõi trên hình ảnh siêu âm để hút sạch u

Khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân phải gây mê, trải qua cuộc mổ kéo dài, thậm chí có thể sót u do không có siêu âm đi kèm. Sau mổ, bệnh nhân sẽ chịu một vết sẹo dài trên ngực, thậm chí tại vị trí lấy u sẽ để lại sẹo lõm. Đây là điều rất ám ảnh với phụ nữ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, nhất là với phụ nữ trẻ.

Hiện tại, với phương pháp hút chân không (sinh thiết vú hút chân không dưới hướng dẫn của hình ảnh siêu âm), bác sĩ chỉ cần gây tê tại chỗ, thực hiện hút u xơ trong khoảng 30 phút - 1 tiếng. Sau hút, bệnh nhân có thể về được ngay và đi làm bình thường, không lo để lại sẹo to.

Theo đó, bác sĩ sẽ gây tê, đưa kim có kích cỡ khoảng 5mm vào vị trí u xơ theo hình ảnh siêu âm, sau đó hút u ra nhờ áp lực hút chân không.

Theo TS Hương, với trường hợp tổn thương dưới 3cm, 1 lần chọc kim có thể lấy bỏ hoàn toàn u xơ, nếu kích thước u lớn hơn, có thể phải can thiệp 2 lần để tránh làm tụ máu lớn.

Sau khi lần lượt lấy hết các u xơ, bác sĩ sẽ kiểm tra trên mô bệnh học và hình ảnh siêu âm, một số trường hợp nghi ngờ sót u có thể làm thêm X-quang tuyến vú, cộng hưởng từ để xác định đã lấy sạch chưa.

Hiện tại, BV Bạch Mai đã áp dụng kĩ thuật hút chân không cho 130 bệnh nhân, chưa ghi nhận trường hợp tái phát sau khi lấy u xơ. Các chi phí liên quan đến vật tư tiêu hao, quy trình giải phẫu bệnh trong kĩ thuật này đã được BHYT chi trả, riêng kim hút, bệnh nhân phải tự mua với giá khoảng 6 triệu đồng.

Sau khi hút u, bác sĩ sẽ hẹn tái khám sau 3 tháng. Sau 3 tháng, nếu kiểm tra không còn tổn thương, bệnh nhân sẽ được hẹn tái khám định kỳ 6 tháng/lần.

Do bệnh lý tuyến vú lành tính rất phổ biến, TS Hương khuyến cáo với các trường hợp có nang xơ, nên theo dõi 6 tháng/lần trong vòng 2 năm.

Ngoài ra, phụ nữ từ 40 tuổi, cũng cần tầm soát vú 6 tháng/lần để phát hiện sớm các tổn thương cũng như ung thư vú, riêng các trường hợp có mang gene đột biến gây ung thư, có tiền sử gia đình như mẹ, chị em gái bị ung thư vú thì cần tầm soát ở độ tuổi sớm hơn.

Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)

Nổi bật