Một nam sinh 14 tuổi họ Du (Trung Quốc) đã phải đến bệnh viện trong tình trạng không thể đi lại bình thường sau 1 thời gian dài vắt chéo chân khi ngồi trước máy tính.
Bố cậu cho biết, khoảng gần 1 tháng trở lại đây, cậu được tạm dừng học ở trường, thường dành khoảng 10 tiếng mỗi ngày để online và chơi game điện tử tại nhà. Đặc biệt, cậu thường ngồi vắt chéo chân trong hầu hết thời gian đó.
Cho rằng đó chỉ là thói quen của con trai, cũng từng thấy rất nhiều người có tư thế ngồi tương tự nên ông không quan tâm lắm. Cho đến khoảng 2 tuần trước, cậu con trai bắt đầu than thở về việc thỉnh thoảng thấy nhức mỏi ở cổ chân, nghĩ rằng con trai ngồi 1 chỗ nhiều quá nên ông cũng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở.
Không ngờ, 2 ngày sau đó, cậu con trai đột nhiên không thể đi lại bình thường, vùng cổ chân và mắt cá chân thậm chí không thể cử động. Cố gắng trấn tĩnh con trai, ông thực hiện 1 vài bài xoa bóp nhưng vẫn không có tác dụng, cố gắng lắm cậu cũng chỉ có thể kéo lê bàn chân trên sàn nhà.
Ông và vợ bắt đầu hoảng hốt vì nghĩ con mình có thể bị bệnh gì đó về xương khớp hoặc nặng hơn là bị đột quỵ ở tuổi vị thành niên, lập tức chở con đến bệnh viện.
Bác sĩ điều trị của Du là bác sĩ Ye Zhongmeng, ông cho biết cậu bị tổn thương dây thần kinh do ngồi sai tư thế trong thời gian dài. Cụ thể, ngồi vắt chéo chân và nghiêng cổ chân nhiều giờ liên tục mỗi ngày gây áp lực và ảnh hưởng xấu đến dây thần kinh đáy chậu và dây thần kinh mác cũng như cân gan bàn chân.
Bác sĩ Ye giải thích thêm, ngồi vắt chéo chân sẽ dồn áp lực lên dây thần kinh mác ở phía sau đầu gối, nên nếu làm vậy trong thời gian dài và liên tục sẽ khiến chân hoặc bàn chân của bạn bị tê liệt và giảm lượng máu lưu thông ở chân. Lúc này, các ngón chân cũng tê buốt và cử động không đúng hướng, nó có thể gây ra những cơn đau râm ran như thể các cơ đang bị ghim hay kim châm.
Còn cân gan bàn chân là 1 dải cơ bám từ các chỏm xương bàn chân đến xương gót chân giúp bàn chân có độ nhún và duy trì độ cong sinh lý của bàn chân. Khi bị tổn thương sẽ gây đau nhói ở mặt dưới xương gót, dẫn đến tình trạng người bệnh khó đi lại bằng chân trần trên nền cứng, thậm chí là không thể đi lại trong 1 thời gian.
May mắn là các tổn thương này nếu được phát hiện sớm và tìm đúng nguyên nhân thì hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng đau, biến dạng và điều chỉnh tư thế đi đứng trở lại bình thường.
Với trường hợp của Du, cậu đến bệnh viện kịp thời, đã tìm được nguyên nhân và vì cậu còn trẻ nên việc điều trị cũng có hiệu quả tốt hơn, kết hợp với nghỉ ngơi điều độ nên hồi phục rất nhanh mà không để lại di chứng.
Bác sĩ: đừng coi thường tác hại của thói quen ngồi vắt chéo chân!
Thói quen ngồi vắt chéo chân rất phổ biến ở cả nam và nữ, đặc biệt là những nhóm người “ngồi bàn giấy” hay làm công sở. Trong nhiều trường hợp, tư thế ngồi này tạo cảm giác kín đáo, chuyên nghiệp, sang trọng, thậm chí là thoải mái với 1 số người, tuy nhiên, nó mang lại ít nhất 5 tác hại cho sức khỏe:
- Các bệnh tĩnh mạch như: giãn tĩnh mạch, sưng tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch...
- Các bệnh về huyết khối: dẫn đến lưu thông máu kém, hình thành cục máu đông gây các bệnh nguy hiểm như: thuyên tắc phổi, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim...
- Gây tê liệt cơ: gây áp lực đến các dây thần kinh trên chân, đặc biệt là dây thần kinh mác ở sau đầu gối và các cơ bắp chân, cơ cân gan bàn chân gây tê cứng, không thể cử động.
- Ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản: khiến mặt trong đùi và cơ quan sinh dục bị chèn ép, ra nhiều mồ hôi, tăng nhiệt độ và luôn ẩm ướt, dẫn đến các bệnh nam khoa và phụ khoa. Đặc biệt là gây rối loạn cương dương, giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới.
- Tác động xấu đến xương và vóc dáng: không chỉ khiến cho khớp xương đầu gối yếu đi, những người ngồi bắt chéo chân quá 3 tiếng mỗi ngày thường có xu hướng đi hơi nghiêng về phía trước, lưng không thẳng.
Ngoài ra, bác sĩ chỉnh hình nổi tiếng Hồng Kông Huang Weiyang cũng từng nhắc nhở rằng thói quen ngồi này rất dễ gây ra đau thần kinh tọa hoặc thậm chí là thoát vị đĩa đệm ngay khi còn trẻ. Vì vậy, hãy chú ý đến tư thế ngồi, đừng ngồi 1 chỗ quá lâu, thường xuyên giãn cơ và nên chăm chỉ tập thể thao để bảo vệ sức khỏe.
Theo Khuê Lăng (Pháp Luật & Bạn Đọc)