Bị đau lưng, sốt về chiều, chán ăn, sụt cân suốt 18 tháng, người phụ nữ được chẩn đoán bị lao cột sống thắt lưng. Tuy nhiên sau 12 tháng uống thuốc và điều trị bảo tồn, mủ lao vẫn còn trong cột sống khiến bụng bệnh nhân bị to và căng tức.
Đó là trường hợp của chị N.N.A. (40 tuổi, ngụ TPHCM).
Cuối tháng 3/2019, chị đi khám tại một bệnh viện ở quận Bình Tân với bệnh sử 18 tháng bị đau lưng, sốt về chiều, chán ăn, sụt cân.
Một năm trở lại đây, nữ bệnh nhân được chẩn đoán là bị lao cột sống thắt lưng. Bác sĩ chỉ định điều trị bảo tồn theo phác đồ kháng lao với bốn loại thuốc kháng lao.
Sau 12 tháng uống thuốc, tình trạng đau lưng của bệnh nhân có cải thiện nhưng bụng vẫn to, căng tức, khó chịu vì còn mủ lao trong cột sống.
Kết quả chụp MRI tại Bệnh viện cho thấy bệnh nhân A. bị lao cột sống 4 đốt D11-D12, L1-L2, có khối áp xe to dọc cơ thắt lưng chậu trái. Trước tình hình hình trên, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật ngay để tránh biến chứng.
Kíp mổ thuộc Khoa Ngoại Thần Kinh – Cột sống đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân bằng phương pháp dẫn lưu nạo vét hoại tử bã đậu trong ổ áp xe. Sau hơn một giờ phẫu thuật, 150ml mủ loãng và có nhiều bã đậu đã được lấy ra.
TS.BS Võ Văn Sĩ, người trực tiếp điều chị cho chị A. chia sẻ đây là trường hợp lao cột sống diễn biến phức tạp khi bệnh nhân dù phát hiện sớm (hơn 1 năm) và được điều trị bảo tồn với với phác đồ 4 thứ thuốc nhưng không dứt điểm tình trạng.
Bệnh nhân buộc phải được phẫu thuật để dọn sạch ổ lao, phá vỡ thành áp xe, lấy hết mủ, mô bã đậu và xương chết tạo điều kiện tốt để thuốc kháng lao tiêu diệt vi trùng.
"Mục đích của phẫu thuật nhằm giảm các triệu chứng đau lưng, bụng căng tức. Mặt khác, giúp triệt phá thành áp xe và nạo vét mô hoại tử, từ đó thuốc mới đưa đến được tận ổ lao tiêu diệt vi trùng" - bác sĩ phân tích.
Theo các bác sĩ, lao cột sống là bệnh lý lao thứ phát, thường gặp nhất trong hệ vận động. Bệnh này phổ biến lây lan trong cộng đồng do vệ sinh, môi trường, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Cộng với các bệnh làm suy giảm miễn dịch khiến các vi trùng lao ngày càng tạo ra các chủng kháng thuốc.
Ngày nay, tỷ lệ lao cột sống nói riêng và lao nói chung giảm nhiều do chất lượng cuộc sống ngày càng cao nhưng quá trình điều trị lại phức tạp hơn khi sử dụng thuốc kháng lao không khỏi.
Với trường hợp của chị A., vi trùng ăn vào xương sống tạo ra ổ lao gồm mủ, mô bã đậu, xương chết, đĩa sống hư biến gây chèn ép tuỷ sống hay rễ thần kinh.
Nếu như trước đây bệnh này là một thách thức điều trị ở Việt Nam thì hiện nay y khoa có thể chữa khỏi lao cột sống trong hầu hết trường hợp phát hiện sớm.
Để lao không diễn biến phức tạp, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không bỏ thuốc, ngưng thuốc, thực hiện đúng nguyên tắc 3Đ: Đúng – Đều – Đủ nhằm tránh hiện tượng lao tái phát, lao kháng thuốc.
Bác sĩ Võ Văn Sĩ chia sẻ, tuy bệnh không phổ biến nhưng không chừa một ai, không phân biệt già, trẻ.
Vì vậy, ngay khi có những dấu hiệu khởi phát như đau lưng, mệt mỏi, chán ăn… cần đến bệnh viện khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời theo phác đồ phòng chống lao quốc gia.
Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)