GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, bệnh nhân Nguyễn Văn Đ., 17 tuổi, ở Hải Dương được chuyển từ Trung tâm Hô hấp, BV Bạch, trong tình trạng rất nặng, phải thở oxy liên tục, cơ thể suy dinh dưỡng nặng khi chỉ số BMI chỉ còn 13,3.
Bệnh nhân được xác định mắc bệnh mô bào ở phổi giai đoạn cuối (Langerhans) - một dạng bệnh ung thư rất đặc biệt, bệnh tự miễn, không có phương pháp điều trị triệt để.
Trên phim chụp cắt lớp ngực, gần như toàn bộ tổ chức phổi của bệnh nhân đã bị tiêu huỷ hết các thành nang – kén khí, không còn hoạt động chức năng.
Giải pháp điều trị duy nhất trên thế giới là phẫu thuật ghép 2 phổi, nếu không phẫu thuật, bệnh nhân sẽ tử vong sau vài tháng.
GS Giang cho hay, bệnh nhân đã bị bệnh 5 năm nay với các biểu hiện kén hoá và nhiễm trùng phổi rất nặng, đã từng điều trị nhiều lần tại Bạch Mai do nhiễm trùng cấp các kén phổi.
Bệnh nhân cũng từng mổ 1 bên phổi phải và bơm thuốc gây dính màng phổi bên trái do kén khí phổi vỡ tái diễn, từng điều trị hoá chất nhiều đợt.
Ngoài ra, nam thanh niên còn mắc cùng lúc nhiều bệnh lý khác như sỏi thận phải (từng mổ năm 2016), sỏi trong gan, suy chức năng gan do hoá chất...
Từ nguồn đa tạng của người cho chết não là nam bệnh nhân 40 tuổi ở Ninh Bình, ca ghép 2 phổi cho bệnh nhân bắt đầu 9h sáng ngày 12/12 và kéo dài suốt 14 tiếng, kết thúc lúc 23h cùng ngày.
Bệnh nhân được gây mê hồi sức đặc biệt cùng sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể ECMO.
“Lúc mở phổi của bệnh nhân, bên trong đầy mủ khiến anh em rất lo lắng. Sau đó phổi chờ ghép được rửa sạch máu, chuẩn bị cuống phổi, cắt giảm thể tích phổi do người nhận có trọng lượng chỉ bằng 50% người cho”, GS Giang thông tin.
Theo GS Giang, đây là ca ghép tạng phức tạp hơn hẳn các ca ghép khác do nguy cơ nhiễm trùng tạng ghép rất cao, phải nội soi, đánh giá, vệ sinh phế quản hàng ngày, phải chăm sóc phổi ghép qua mở khí quản, thời gian hậu phẫu có thể kéo dài 2-3 tháng.
10 ngày đầu sao ghép phổi, diễn biến sức khoẻ bệnh nhân rất tốt. Hiện bệnh nhân đã tự thở, đang bắt đầu tập vận động. Tuy nhiên do toàn trạng bệnh nhân còn rất nặng, diễn biến hậu phẫu còn phức tạp trên nền thể trạng quá suy kiệt và tổn thương nhiều tạng nên cần nằm lại viện để theo dõi thời gian dài.
Trước đó, cuối tháng 2 vừa qua, ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não được thực hiện tại BV Trung ương quân đội 108.
Cùng ngày, từ tạng của người hiến, BV Việt Đức thực hiện đồng thời 3 ca ghép tim, gan, thận cho 3 bệnh nhân.
Trong đó tim được ghép cho nam bệnh nhân 60 tuổi bị giãn cơ tim giai đoạn cuối, nguy cơ cao tử vong trong vòng 1 tháng nếu không có tim ghép; Gan được ghép cho bệnh nữ 63 tuổi mắc u gan; 1 quả thận được ghép cho nam bệnh nhân 41 tuổi bị suy thận giai đoạn cuối, quả thận còn lại được chuyển vào BV Nhi đồng 2, TP.HCM ghép cho 1 bệnh nhi. Hiện các bệnh nhân đều đã ổn định, có thể dậy ăn uống và sinh hoạt.
“Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam ghép đồng thời 5 tạng 1 lúc, là thành công do sự phối hợp nhịp nhàng từng giây, từng phút đến từng con người ở từng vị trí. Các ca ghép hoàn toàn do các bác sĩ của BV thực hiện, dù ban đầu có định nhờ hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài”, GS Giang chia sẻ.
GS Giang cho biết thêm, tổng số nhân lực tham gia đồng thời 5 ca ghép tạng lên tới gần 500 người.
Tính đến ngày 21/12/2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, 3 ca ghép phổi.
Trong đó riêng BV Việt Đức thực hiện 680 ca ghép thận, 55 ca ghép gan, 19 ca ghép tim, 1 ca ghép phổi.
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)