Mỗi dịp Tết đến Xuân về, hay ngày Rằm, ngày lễ dường như ai trong trong chúng ta cũng nhớ tới cặp câu đối "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".
Cho đến nay cây nêu, câu đối đỏ dường như không còn được thịnh hành, pháo bị cấm từ lâu nhưng thịt mỡ, dưa hành đặc biệt bánh chưng xanh vẫn là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ cúng gia tiên.
Nói đến bánh chưng là chúng ta nhớ ngay đến hương vị thơm ngon của nó. Gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, muối tiêu... được gói lá dong xanh và luộc nhừ, ép chặt tạo thành hương vị độc đáo. Đây là những hương vị kết hợp nên vị béo, nhiều tinh bột và đạm, dễ gây ngán.
Gạo nếp có tính ôn ấm nên khi ăn nhiều có thể bị nóng. Trong đông y khuyến cáo những người có thể chất thiên nhiệt hoặc đàm nhiệt, những người đang bị bệnh có sốt, ho khạc đờm vàng, vàng da, chướng bụng… nên tránh dùng đồ nếp. Điều này đôi khi sẽ gây khó chịu và nổi nhiều mụn nhọt.
Mẹo ăn Bánh Chưng ngày tết không lo mụn ghé thăm
1. Không ăn bánh chưng rán
Nhiều người thay vì ăn bánh chưng thông thường lại có sở thích ăn bánh chưng rán. Bởi mùi vị hấp dẫn, thơm ngon hơn. Tuy nhiên, bánh chưng khi được chiên rán sẽ tích tụ rất nhiều chất béo, không tốt cho cơ thể. Ăn nhiều sẽ khiến bạn bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu. Đôi khi làm gia tăng nhiệt độ cơ thể gây cảm giác khó chịu, đặc biệt là những người máu nóng.
2. Ăn kèm với dưa muối hoặc dưa hành
Theo các chuyên gia y học, bánh chưng, bánh tét là một món ăn giàu năng lượng. Đầy đủ các thành phần đường, đạm, béo, vitamin và chất khoáng. Thông thường một chiếc bánh chưng được làm với 1,5-2 bát gạo nếp, mà 100 g gạo nếp có 344 kcal, chưa kể thịt mỡ, đậu xanh.
Ẩm thực người Việt luôn coi trọng sự hài hòa, cân bằng trong hương vị vì thế đi kèm với sự đậm đà, ngậy béo của bánh chưng, thịt mỡ... không thể thiếu món dưa hành, củ kiệu hay dưa món thanh thanh, chua mát. Ngoài việc cân bằng hương vị món ăn, những loại rau củ lên men này còn giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn.
Trong khi bánh chưng, bánh tét giàu đạm, chất béo và tinh bột khó tiêu. Thì củ kiệu, dưa hành, hay dưa món lại cung cấp một lượng men vừa đủ để hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm thiểu nguy cơ đầy bụng.
Không những thế, loại thực phẩm này còn giúp bổ sung thêm chất xơ cho cơ thể. Bên cạnh đó, vị chua dịu, cay nhẹ và thơm của dưa hành, củ kiệu sẽ giúp gia tăng hương vị của món ăn. Đặc biệt kích thích tiêu hóa khi bạn ăn thực phẩm nhiều đạm, lipid, chất béo... như bánh chưng, bánh tét. Đồng thời ăn kết hợp khoa học cũng giúp bạn tránh tình trạng nóng trong, nổi mụn.
Song bạn cần lưu ý rằng, cả bánh chưng và dưa muối đều có hàm lượng nitrat cao. Nên có thể gây tăng axit dịch vị dạ dày nếu bạn ăn nhiều, và có thể làm tăng huyết áp. Hay gặp những bệnh lý về dạ dày. Bởi vậy, bạn không nên ăn nhiều món ăn này.
3. Ăn bánh chưng kèm với rau xanh và hoa quả
Bánh chưng là thực phẩm rất giàu năng lượng, nhiều chất bột đường từ gạo nếp, chất béo từ thịt mỡ và đạm từ đậu xanh nhưng lại không có chất xơ và các loại vitamin, chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và ăn bánh chưng không bị ngán, nóng trong, bạn nên ăn kèm với rau xanh và hoa quả tươi.
Theo CỰ GIẢI (Pháp luật và bạn đọc)