Dù ở bất kỳ ngôi nhà nào thì bếp cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Gian bếp chính là biểu tượng của tổ ấm và sự gắn kết của cả gia đình. Vậy nên, nơi đây luôn được người phụ nữ dành phần lớn thời gian để nấu những bữa cơm ngon nhất, hòng mang lại cho mọi thành viên một cơ thể khỏe mạnh.
Thế nhưng, cùng với sự phát triển của cuộc sống, rất nhiều vật dụng nhà bếp tưởng chừng như tiết kiệm thời gian và công sức cho chị em lại tiềm ẩn mầm bệnh. Theo các chuyên gia, dưới đây là 4 vật dụng mệnh danh là "nhà" của tế bào ung thư, hãy vứt ngay đi khi nhận diện được chúng có nguy cơ gây hại:
1. Miếng bọt biển rửa chén
Hầu như nhà nào cũng phải có ít nhất vài miếng bọt biển để rửa chén, thậm chí là dùng mãi không vứt đi. Theo một nghiên cứu được công bố bởi Scientific Report, trong 1 miếng bọt biển chứa hàng trăm loại vi khuẩn gây bệnh khác nhau, dù có rửa sạch bao nhiêu lần cũng không thể tiêu diệt được.
Trong một báo cáo khác của Charles Gerba – nhà vi sinh vật học tại Đại học Arizona (Mỹ), miếng rửa chén bẩn gấp 200.000 lần bồn cầu và gấp 20.000 khăn lau bếp. Nó là ổ chứa các loại vi khuẩn gây bệnh khác nhau như coliform, E.coli, Staphylococcus aureus và Campylobacter… làm cơ thể tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa cấp và thậm chí là ung thư.
Mặc dù bạn có thể dùng lò vi sóng hoặc ngâm nước sôi để làm sạch, nhưng những phương pháp này không thể loại bỏ hết vi khuẩn được. Tốt nhất là sau mỗi lần rửa chén, bạn nên rửa sạch và vắt thật khô rồi treo ở nơi thoáng mát. Nếu miếng bọt biển đã quá cũ thì nên vứt đi, hãy trữ sẵn một lốc để thay mới liên tục mỗi tuần.
2. Hộp nhựa đựng thực phẩm chất lượng kém
Tiếp tục là một vật dụng mà nhà nào cũng có nhiều nhờ độ tiện lợi của nó. Tuy nhiều hộp nhựa đều được dán nhãn "an toàn với lò vi sóng", nhưng nếu dùng lâu ngày sẽ xuất hiện những vết xước. Cuối cùng khi hâm nóng đồ ăn lên thì thực phẩm sẽ có nguy cơ bị nhiễm độc, gây rối loạn nội tiết, ung thư lẫn những vấn đề về sinh sản.
Tốt nhất chị em nên hạn chế dùng hộp nhựa để đựng thực phẩm. Hãy chuyển sang các loại hộp thủy tinh để vừa cất tủ lạnh được mà còn hâm nóng lại an toàn, không sợ bị ngộ độc. Chỉ dùng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và không nên dùng quá lâu.
3. Đũa gỗ, thớt dùng lâu ngày
2 vật dụng này thường được sử dụng thường xuyên nên dễ bị mài mòn theo thời gian, khiến chúng xuất hiện các vết nứt trên bề mặt. Những phần nứt này sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn và nấm mốc ký sinh, bao gồm cả aflatoxin – một độc tố mạnh tương đương 10 lần kali xyanua và gấp 68 lần so với asen.
Khi cơ thể nhiễm độc aflatoxin, bạn sẽ xuất hiện một số dấu hiệu điển hình như ngộ độc cấp tính, ngộ độc mãn tính và gây ung thư. Chưa kể nó còn gây dị dạng và đột biến. Vậy nên bạn cần phải phơi nắng đũa gỗ và thớt thường xuyên để tránh nấm mốc, tốt nhất là 6 tháng hãy thay mới để bảo vệ sức khỏe cả gia đình.
4. Các loại bát đĩa giả sứ
Rất nhiều vật dụng như đĩa, bát, chén… chúng ta vẫn thường sử dụng đều được làm từ sứ. Ai cũng cho rằng đồ sứ tráng men và tuyệt đối an toàn, nhưng thực tế trên thị trường hiện nay có vô vàn loại đồ sứ kém chất lượng. Theo một vài nghiên cứu, những sản phẩm giả sứ này đều chứa chì và formaldehyde có hại cho sức khỏe, thậm chí là gây ung thư nếu dùng lâu ngày.
Những tác hại này sẽ càng rõ rệt khi đồ sứ chất lượng kém được dùng để đựng đồ ăn nóng, chua và nước hoa quả. Bởi vì nhiệt độ và axit sẽ làm các chất độc trong hoa văn được giải phóng nhanh hơn. Vậy nên phụ nữ hãy ưu tiên mua các loại chất lượng cao, dù có đắt tiền một chút nhưng đảm bảo an toàn với sức khỏe.
Theo Minh Võ (Trí Thức Trẻ)