Có khả năng miễn dịch là điều cần thiết để chống lại bệnh Covid-19 cũng như bất cứ bệnh truyền nhiễm nào trong mùa xuân ẩm ướt, có khả năng phát sinh nhiều dịch bệnh. Một người có thể trở nên kháng tự nhiên với các tác nhân gây bệnh nhờ sức mạnh miễn dịch mạnh mẽ của chính mình.
Trở nên miễn dịch với một căn bệnh cụ thể có nghĩa là sản xuất kháng thể cho loại virus cụ thể. Trong dịch Covid-19, hàng triệu người đã bị nhiễm bệnh nhưng cũng ghi nhận một số lượng lớn trường hợp phục hồi nhờ khả năng miễn dịch mạnh mẽ.
Cách tốt nhất để tăng cường khả năng miễn dịch là thông qua các cách tự nhiên vì hầu như không có tác dụng phụ cho cơ thể. Có một số loại thảo mộc thân thiện với nhà bếp rất hiệu quả trong việc chống lại mầm bệnh do virus gây ra mà bạn có thể thay đổi thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày để luôn khỏe mạnh ngay dưới đây:
Tỏi
Tỏi rất cần thiết để duy trì cân bằng nội môi của hệ thống miễn dịch. Nó được biết là kích thích sản xuất máu trắng hoạt động như một kẻ giết mầm bệnh tự nhiên. Tỏi cũng giúp tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch do sự hiện diện của hợp chất miễn dịch.
Nghệ
Curcumin trong củ nghệ có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và điều hòa miễn dịch. Thêm nghệ vào trong bữa ăn hàng ngày giúp chống lại virus, vi khuẩn hiệu quả, đồng thời cải thiện triệu chứng cảm lạnh và ho. Theo Webmd, chất curcumin cũng giúp giảm viêm phổi và tăng cường khả năng miễn dịch.
Gừng
Loại thảo dược cổ xưa này giúp thúc đẩy hệ thống miễn dịch của cơ thể và chống lại chứng viêm phổi. Theo Mayoclinic, gừng cũng giúp chống lại cảm lạnh và ho bằng cách tăng sản xuất tế bào T.
Quế
Quế chứa một nguồn dồi dào của các hợp chất chống oxy hóa. Quế hoạt động như một chất kích thích miễn dịch và tránh các bệnh cảm lạnh, ho và viêm. Theo Webmd, chiết xuất polyphenol trong quế điều chỉnh chức năng miễn dịch và chống lại vi sinh vật gây hại cơ thể.
Đinh hương
Đinh hương đã được sử dụng từ lâu trong y học dân gian để điều trị một số bệnh. Loại thảo mộc này giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch, vô hiệu hóa hoạt động của virus, vi khuẩn. Đặc tính chống viêm của đinh hương cũng giúp giảm viêm phổi và tống xuất chất nhầy.
Hành
Hành có nhiều hợp chất tăng cường miễn dịch như vitamin C, selen và kẽm. Loại gia vị này còn chứa một flavonoid gọi là quercetin - một chất chống oxy hóa rất mạnh. Quercetin được biết đến với đặc tính kháng vi-rút và chống viêm giúp tăng cường phản ứng của hệ miễn dịch chống lại mầm bệnh.
Rau kinh giới
Loại rau này có đặc tính kháng nấm, kháng khuẩn và điều hòa miễn dịch. Theo nghiên cứu, rau kinh giới cải thiện sức khỏe và hiệu suất của một cá nhân bằng cách kích thích sản xuất tế bào T và tăng số lượng máu trắng và đỏ. Kinh giới cũng giúp giảm viêm gây ra do virus.
Húng quế
Húng quế có một loạt các lợi ích trị liệu và tăng cường miễn dịch là một trong những lợi ích hàng đầu. Theo một nghiên cứu trên Nature, chiết xuất từ lá của húng quế rất hiệu quả trong điều trị nhiễm virus và cho thấy hiệu quả đầy hứa hẹn đối với việc tăng cường miễn dịch.
Những gia vị như gừng, nghệ, tỏi, quế, hành... đều là thuốc quý trong Đông y, không phải cứ càng dùng nhiều càng tốt
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), danh sách những loại gia vị, thảo mộc ở trên đều là những gia vị thường có trong nhà bếp của người Việt. Nhưng chúng không đơn giản là thực phẩm mà còn là thuốc chữa bệnh trong Đông y.
Lương y Bùi Hồng Minh ví dụ, Đông y ghi nhận tỏi có vị cay, tính ấm, đi vào hai kinh tì và vị, có tác dụng trong tiêu hóa, hô hấp, giải độc, trừ đờm, lợi niệu, tẩy giun… Gừng chữa bệnh rất tốt trong các trường hợp cảm mạo, phong hàn, ngạt mũi, nhức đầu, đau đầu, nôn mửa, kích thích tiêu hóa, đầy bụng, trướng bụng, giải độc từ cua cá, chim thú nếu có độc, các loại thịt (trừ thịt lợn vì gừng kỵ thịt lợn) khi ăn vào cơ thể. Và nghệ cũng không hề kém cỏi ở công dụng kháng sinh vì có tác dụng chống lại các vi khuẩn, có tính kháng viêm cực mạnh...
Như vậy có thể thấy, trong Đông y, đây đều là những thực phẩm vàng để hỗ trợ điều trị cúm, cảm lạnh, giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng rất tốt. "Tuy nhiên không phải cứ nghĩ đến mặt tốt của thực phẩm này để rồi suy diễn nó có công dụng phòng tránh hay diệt trừ bệnh Covid-19".
Theo lương y Bùi Hồng Minh, chúng ta có thể dùng những thực phẩm này để tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn nhưng nhất định phải theo ý kiến khuyến cáo của bác sĩ, không tùy tiện dùng, đặc biệt với suy nghĩ dùng càng nhiều càng tốt cho công cuộc phòng chống dịch Covid-19. Bản thân những thực phẩm này là vị thuốc. Đã là thuốc thì không được dùng một cách tùy tiện. Chưa kể, dùng quá liều cũng có những tác dụng phụ đi kèm, có thể để lại hậu quả đáng tiếc. Khi đó, có thể bạn không bị nCoV tấn công nhưng lại mắc bệnh mãn tính nào đó thì thật sự đáng quan ngại.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo, người dân không được tự ý bổ sung thực phẩm như lạm dụng ăn tỏi, gừng, uống bột nghệ, rồi trào lưu bổ sung vitamin C bằng cách uống nước cam thật nhiều, uống C sủi… để mong muốn cơ thể tăng cường miễn dịch, tăng cường đề kháng đi qua mùa dịch Covid-19 (nCoV). Ngoài ra, việc tự ý dùng thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe qua những thông tin trên mạng cũng có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
"Điều quan trọng là mỗi người cần nắm rõ cách phòng chống dịch do Covid-19 như đeo khẩu trang đúng lúc đúng chỗ, rửa tay đúng cách, khi có triệu chứng của bệnh như sốt, ho, khó thở… cần đi khám ngay, tự cách ly nếu chẳng may tiếp xúc với người nghi nhiễm…", chuyên gia nhấn mạnh.
Về chuyện ăn gì để tăng cường miễn dịch, chuyên gia khuyên nên đảm bảo ăn uống đủ chất, không lạm dụng bất cứ thực phẩm nào cũng như tự ý làm theo các trào lưu trên mạng trong phòng chống dịch chưa được kiểm chứng.
Theo Tiểu Nguyễn (Trí Thức Trẻ)