Tamiflu có phải 'thần dược' trị cúm, tác dụng phụ nguy hiểm ra sao?

22/12/2019 15:30:24

Nhiều người xem Tamiflu là "thần dược" trị cúm và tự ý mua về sử dụng khiến thuốc "đội giá" và khan hiếm. Bác sĩ Trương Hoàng Hưng (Phòng khám Nhi MD Kids Pediatric, TP. Irving, Texas, Hoa Kỳ) đã chỉ rõ những điều cần biết về loại thuốc này.

Nhiều người xem Tamiflu là "thần dược" trị cúm và tự ý mua về sử dụng khiến thuốc "đội giá" và khan hiếm. Bác sĩ Trương Hoàng Hưng (Phòng khám Nhi MD Kids Pediatric, TP. Irving, Texas, Hoa Kỳ) đã chỉ rõ những điều cần biết về loại thuốc này.

Tamiflu chỉ có hiệu quả khi biết cách dùng

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện nay đang là thời điểm cao nhất của bệnh cúm mùa. Trong vòng hơn một tháng qua, các bác sỹ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận khám 3.066 lượt người bệnh có triệu chứng cúm tới khám và điều trị. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày có khoảng 100-130 bệnh nhi đến khám với các biểu hiện nghi ngờ cúm.

Tuy nhiên, nhiều người mắc cúm chưa hiểu về tác dụng và đối tượng nên sử dụng thuốc Tamiflu đã tự mua về sử dụng, khiến loại thuốc này trở nên khan hiếm và giá cả tăng cao. 

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng (Phòng khám Nhi MD Kids Pediatric, TP. Irving, Texas, Hoa Kỳ) đã có những chia sẻ xung quanh tình trạng dở khóc dở cười - "bệnh nhân đòi thuốc Tamiflu vì nghĩ là "thần dược" trị cúm".

"Mùa cúm năm nay rộn ràng hơn mấy mùa cúm trước, mỗi ngày khoảng chừng phân nửa bệnh nhân của tôi tới khám vì cúm (Influenza). Chuyện chẩn đoán cúm không có gì khó, nhất là với test nhanh sẵn có ngày nay. Chuyện mệt mỏi là phải giải thích cho bệnh nhân và cha mẹ một câu chuyện lặp đi lặp lại là cúm là siêu vi, không có biện pháp trị liệu hữu hiệu, chủ yếu là điểu trị hỗ trợ như các loại siêu vi khác thôi. Nhiều người không chịu chấp nhận và cứ đòi Tamiflu, “thần dược" trị cúm" - bác sĩ Hưng chia sẻ.

Số lượng bệnh nhi đi khám vì ho, sốt gia tăng. Ảnh: Duy Hiệu
Số lượng bệnh nhi đi khám vì sốt gia tăng. Ảnh: Duy Hiệu

Bác sĩ Hưng giải thích, Tamiflu là thuốc kháng virus, nhưng không giống với hầu hết kháng sinh, nó không có khả năng tiêu diệt virus cúm.

Vì Tamiflu là thuốc ức chế men neurominidase của virus cúm. Virus cúm sau khi xâm nhập vào cơ thể, đi vào tế bào và nhân đôi, sau đó men này sẽ giúp virus cúm tách ra, rời khỏi tế bào chủ và đi tìm tế bào mới.

Tamiflu ức chế men này, làm giảm sự phát tán của virus cúm trong cơ thể chứ ngoài ra chẳng làm gì được con virus này.

"Vì vậy thuốc này chỉ có hiệu quả trong vòng 48 giờ đầu khi virus cúm mới xâm nhập cơ thể, còn sau đó nó chẳng có tác dụng gì vì virus cúm đã sớm có mặt ở mọi nơi trong cơ thể rồi, giống như trễ kinh mới lo uống thuốc ngừa thai vậy" - bác sĩ Hưng nhấn mạnh.

Ai cần dùng Tamiflu?

Theo bác sĩ Hưng, Tamiflu không diệt vi trùng cúm, chỉ giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn, hết triệu chứng sớm hơn là không uống khoảng 17 giờ. Tamiflu được quảng cáo giúp ngừa biến chứng nặng như viêm phổi, nhập viện,…. Tuy nhiên các nghiên cứu không thấy sự khác biệt rõ rệt.

Những người cần Tamiflu gồm có:

Bị cúm với triệu chứng rõ ràng như sốt cao trong vòng 48 giờ đầu.

Trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi và người già lớn hơn 65 tuổi, là những người hay bị biến chứng flu nặng (phải uống sau 48 giờ đầu).

Các bệnh nhân có bệnh mãn tính như suyễn, bệnh phổi mãn, bệnh tim, suy giảm miễn dịch, là những người dễ chết vì cúm.

Tamiflu có phải "thần dược" trị cúm?

Bác sĩ Hưng đã chỉ rõ những tác dụng phụ khi sử dụng loại thuốc này. Theo đó, tác dụng phụ phổ biến nhất là nôn ói. Những tác dụng phụ thường gặp khác như tiêu chảy, nhức đầu, độc thận ở những người có bệnh thận.

"Cho nên mới nói, Tamiflu không phải là "thần dược" trị cúm, cũng chỉ là một phương pháp điều trị hỗ trợ mà thôi, đừng quá thần tượng nó. Có khi vừa tốn tiền, vừa khiến người bệnh nặng hơn vì tác dụng phụ của nó. Cách hiệu quả nhất là đi chích ngừa cúm" - bác sĩ Hưng khuyến cáo.

Theo Thảo Anh (Lao Động)