Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân là do khi thời tiết trở lạnh sẽ khiến các gân cơ dễ bị co rút, dịch khớp đông quánh lại. Từ đó, các khớp trở nên khô cứng, có biểu hiện đau mỏi và khó cử động. Thời tiết lạnh cũng khiến cho các đầu mút dây thần kinh ở khớp trở nên nhạy cảm và người bệnh sẽ cảm nhận cơn đau rõ ràng hơn.
Ngoài ra, vào mùa lạnh, thói quen tập luyện cũng bị giảm đi, khiến các khớp không được vận động thường xuyên, máu lưu thông kém. Đây cũng là yếu tố thuận lợi khiến bệnh xương khớp tiến triển nặng thêm.
Triệu chứng khi đau nhức xương khớp vào mùa lạnh
Đau nhức xương khớp vào mùa lạnh có triệu chứng điển hình như sau:
Đau nhức xương khớp: Tại các vị trí thường xuyên cử động nhiều như đầu gối, cổ tay, ngón tay, người bệnh sẽ thấy đau nhức và buốt từ trong xương, các khớp sưng và đỏ, tê cứng làm cản trở vận động.
Phát ra âm thanh ở các khớp: Khi trời trở lạnh, đau nhức xương khớp có thể phát ra âm thanh mỗi khi cử động.
Cứng khớp: Bệnh đau xương khớp mùa lạnh có triệu chứng nổi bật là cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng lúc mới thức dậy. Cứng khớp khiến việc co duỗi trở nên khó khăn. Để cử động bình thường, người bệnh cần phải thực hiện xoa bóp và vận động khớp nhẹ nhàng.
Nhạy cảm với cơn đau hơn: Người bị bệnh khớp mãn tính thường nhạy cảm với cơn đau xương khớp hơn do lớp sụn khớp đã bị bào mòn, khiến đầu xương bị trơ ra.
Có thể khắc phục đau nhức xương khớp vào mùa lạnh như thế nào?
Đau xương khớp mùa lạnh gây ra các triệu chứng như đau nhức, tê buốt chân tay, cột sống, làm cản trở các hoạt động trong công việc và sinh hoạt thường ngày. Một số biện pháp giúp khắc phục các triệu chứng của bệnh được biết đến như:
Xoa bóp: Dùng dầu gừng hoặc dầu khuynh diệp, các loại rượu thuốc xoa bóp trực tiếp các vùng xương khớp bị đau nhức để làm nóng khớp và tăng cường lưu thông khí huyết, lưu thông máu.
Chườm nóng: Đắp nóng hoặc chườm nóng trong khoảng 20 phút giúp làm giảm các cơn đau xương khớp.
Tắm nước nóng: Đau xương khớp mùa lạnh có thể được khắc phục bằng cách tắm nước nóng từ 15 - 20 phút với những phần xương khớp bị đau. Lưu ý, nhiệt độ nước tắm vừa phải, tránh tắm muộn và tắm quá lâu, thời gian tắm nên từ 15 – 20 phút.
Phòng ngừa và điều trị đau xương khớp vào mùa đông
Tình trạng đau nhức xương khớp khi thời tiết lạnh thường xuất hiện ở khớp gối, cột sống lưng, cổ, vai… Cơn đau kéo dài, khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống… Vậy làm sao có thể "ăn ngon, ngủ yên", không còn đau nhức khớp khi trời trở lạnh?
- Giữ ấm cơ thể, trong đó đặc biệt lưu ý các khớp (khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay…). Khi có dấu hiệu nhức khớp, tê, mỏi xảy ra, hãy xoa bóp các khớp để cho các mạch máu giãn ra, vận chuyển máu được dễ dàng đến nuôi các khớp.
- Bổ sung canxi và vitamin D theo đơn của bác sĩ .
- Tập luyện thể dục, thể thao đều đặn giúp ngăn ngừa bệnh thấp khớp, duy trì sự linh hoạt của các khớp và ngăn ngừa teo cơ.
- Uống đủ nước mỗi ngày, bởi lẽ, khi cơ thể thiếu nước có thể gây hiện tượng cô đặc máu, làm giảm lưu thông máu đến nuôi dưỡng các khớp.
Khi gặp các cơn đau nhức, cứng khớp, người bệnh hay tìm đến các thuốc giảm đau nhanh.Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo, việc lạm dụng các thuốc giảm đau trong bệnh xương khớp rất nguy hiểm, không chỉ gây tác dụng phụ đau dạ dày mà còn làm gia tăng nguy cơ tim mạch, đột quỵ, làm lu mờ triệu chứng bệnh xương khớp khiến bệnh diễn biến xấu nhanh hơn, sụn và xương dưới sụn hư hỏng nghiêm trọng hơn.
Nhu cầu giảm đau nhức, cứng khớp của người bệnh khi thời tiết thay đổi là không thể bỏ qua, nhưng quan trọng là phải có phương pháp giảm đau nhức hiệu quả, an toàn, đặc biệt là giải quyết chính xác, tận gốc nguyên nhân gây đau nhức.
Để loại bỏ các cơn đau, cứng khớp, người bệnh có thể dùng các sản phẩm đã được nghiên cứu khoa học, được chứng minh có tác dụng hiệu quả và an toàn lên xương khớp giúp chăm sóc sức khỏe xương khớp toàn diện.
PN (Nguoiduatin.vn)