"Yêu thương, cưng nựng, ôm hôn mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Điều này giúp trẻ cảm nhận tình yêu thương của cha mẹ cũng như người thân" - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ và nói thêm: Người khoẻ mạnh ôm hôn trẻ là bình thường.
Tuy nhiên, ai là người nên thơm má, hôn trẻ?
Trước hết, theo TS Dũng, người lớn đang bị cúm, sốt, hắt hơi thì không nên thơm má trẻ do virus có thể lây lan đến cơ thể trẻ. Những người mắc bệnh tiêu hóa như tiêu chảy, rotavirus cũng tuyệt đối không được tiếp xúc với trẻ.
ThS Nguyễn Văn Tùng, Khoa Nhi, Bệnh viện 108 cho hay các loại vi khuẩn và virus có thể lây cho trẻ qua việc hôn như: Bệnh lý lây qua đường hô hấp như vi khuẩn lao, não mô cầu,... hoặc virus như cúm, sởi, virus hợp bào hô hấp (RSV), quai bị...: Thông thường chúng hay lây qua những giọt nhỏ phát sinh khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện.
"Xét về lý thuyết khi hôn nhau thì cũng có thể gây lây lan những bệnh này dù trên thực tế ít phổ biến" - ThS Tùng khẳng định.
Các bệnh lây truyền qua tiếp xúc như virus Herpes (SHV-1): Khi hôn, tiếp xúc cũng có thể gây các vết loét, mụn nước dạng herpes trên da, thường ở vùng da bán niêm mạc hoặc virus có thể xâm nhập, tồn tại dạng "ngủ" âm thầm trong người, đến khi có điều kiện thuận lợi sẽ tái hoạt động gây chốc mép, zona thậm chí viêm não do herpes.
Virus cytomegalo (CMV) cũng thuộc nhóm Herpes: Loại này lây lan qua dịch cơ thể như nước bọt, nước tiểu hoặc máu. Khi một người bị nhiễm CMV, nó sẽ ở lại trong cơ thể suốt đời.
Nhiễm CMV thường không gây bệnh nghiêm trọng, tuy nhiên nếu bào thai bị nhiễm CMV có thể có những rối loạn phát triển nghiêm trọng. Ngoài ra, ở những người có sức đề kháng kém, chúng có thể gây tổn thương phổi, gan hoặc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.
Các bệnh lây truyền qua nước bọt: Nhiều virus đường ruột có thể lây truyền qua nước bọt. Có thể kể đến như virus gây bệnh tay chân miệng, enterovirus, virus gây bại liệt, tiêu chảy, viêm gan A…
Người ta cũng cho rằng vi khuẩn gây viêm loét dạ dày H.Pylory (HP) có thể lây qua nước bọt nên những hành vi như mớm thức ăn cho trẻ nhỏ có thể khiến vi khuẩn này lây lan.
"Trên thực tế có rất ít trường hợp lây bệnh được xác định chắc chắn đường lây truyền qua nụ hôn, nên có thể coi đây là con đường lây truyền khá thứ yếu đối với những bệnh lý kể trên" - ThS Tùng khẳng định.
Theo TS Dũng, nói "ôm hôn trẻ có thể khiến bé tử vong" là chủ quan và không chính xác.
Phân tích cụ thể thêm, TS Dũng cho hay lây bệnh có rất nhiều nguyên nhân, bệnh có thể lây qua đường hô hấp nhưng điều đó không có nghĩa là có thể kết luận việc hôn trẻ gây tử vong.
"Với bất kỳ căn bệnh nào cần tìm hiểu môi trường sống, không khí, thời gian ủ bệnh mới có thể đánh giá về việc lây bệnh hay không. Ngoài ra, phải là những người chuyên môn về dịch tễ, lâm sàng, vi sinh y học... kết luận mới chính xác" - TS Dũng nói.
Còn theo ThS Nguyễn Văn Tùng, trẻ nhỏ được sinh ra với hệ thống miễn dịch yếu, nhưng các bé sẽ được tích lũy khi chúng lớn lên và khi được tiêm phòng vaccine. Vì vậy, các bé không thể tự mình đề kháng với các loại virus, vi khuẩn.
"Việc hạn chế hôn trẻ nên được thực hiện đặc biệt là đối với người lớn, vì chúng ta sẽ không biết miệng của chúng ta có chứa những vi khuẩn, virus gì" - ThS Tùng cho hay.
Theo Quỳnh An (Giadinh.net.vn)