Trao đổi với Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào – Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội - về vấn đề trên, bác sĩ Đào cho hay thực tế một số loại thực phẩm khi kết hợp với nhau sẽ gây nên một số ức chế, không đem lại hiệu quả dinh dưỡng như mong muốn. Ví dụ: ăn hồng sau đó uống nước chè sẽ gây nên hiện tượng kết tủa, khó hấp thu hơn bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ Đào nhấn mạnh rằng nguy cơ ngộ độc dường như không có.
"Về thông tin ăn hải sản sau đó ăn cam nguy cơ tạo ra asen gây ngộ độc, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh", BS Anh Đào nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thực tế không có thực phẩm nào kỵ nhau đến mức ngộ độc phải cấp cứu, nên người dân cần phải cân nhắc, chọn lọc trước các thông tin lan truyền không chính thống.
Để đảm bảo an toàn, người dân tốt nhất nên chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc uy tín để sử dụng. Lý do là có không ít trường hợp ngộ độc do nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng nhưng lại đổ cho kết hợp thực phẩm này với thực phẩm kia kỵ nhau.
Liên quan tới thông tin không ăn cam ngay sau uống thuốc, bác sĩ Đào cho rằng mọi người chưa hiểu đúng. Cam là một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng tốt cho người đang ốm. Tuy nhiên, khi đang dùng thuốc, người bệnh cần chú ý: Nếu uống thuốc, sau 2 tiếng, người bệnh có thể ăn cam.
"Đối với một số bệnh nhân đang điều trị bệnh lý dạ dày, họ được khuyến cáo không dùng các loại hoa quả có vị chua, thực phẩm cay, nóng…", bác sĩ Đào nói.
Bác sĩ Đào cũng lưu ý thêm tới việc dùng thuốc ngay sau bữa ăn sẽ không phát huy hiệu quả của thuốc. Đa số các loại thuốc phải uống sau ăn khoảng 2 tiếng, trừ một số loại thuốc có chỉ định riêng. Ví dụ như canxi phải uống sau ăn 30 phút, có loại thuốc tiểu đường nên uống sau khi ăn được 2 miếng cơm.
Bác sĩ Đào cho biết những thông tin cho rằng thực phẩm kỵ nhau gây ngộ độc thực tế là kinh nghiệm truyền tai nhau, còn thực tế cần phải dựa vào các bằng chứng khoa học để chứng minh.
Bác sĩ Đào cho hay: "Về phương diện dinh dưỡng, chúng tôi không khuyên bệnh nhân vậy. Chúng tôi luôn khuyên bệnh nhân phải ăn đủ các nhóm chất để làm sao đảm bảo được dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra mỗi cá nhân khác nhau, tùy thuộc vào cơ địa, bệnh lý, chúng tôi sẽ xây dựng thực đơn dinh dưỡng sao cho hợp lý nhất".
Các chuyên gia cũng khuyến cáo dù cam rất tốt cho sức khỏe, giúp tăng cường sức đề kháng, bổ sung nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể nhưng việc sử dụng phải điều độ, không nên lạm dụng ăn quá nhiều. Đặc biệt, những người có bệnh lý dạ dày không nên ăn cam khi đang đói; người đang bị tiêu chảy cũng không nên ăn loại quả này.
Loại rau được mệnh danh là "siêu thực phẩm" từng rầm rộ một thời hóa ra có nhiều lợi ích đến như vậy: Chứa nhiều vitamin C hơn cam, giàu magie hơn trứng