Dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng lỗi thời nhất định phải sinh một đứa con trai để "lo chuyện hương hỏa", hiện tại vẫn có không ít những bà mẹ trẻ ở Trung Quốc bỏ ra rất nhiều tâm sức để sinh cho bằng được một quý tử nối dõi. Trong dân gian Trung Quốc trước nay đều lưu truyền vô số các loại "bí kíp sinh con trai", thuốc "đảm bảo sinh con trai"… và có lẽ chúng sẽ còn tồn tại rất lâu rất lâu nữa nếu người ta vẫn không chịu từ bỏ lối suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu này.
Khát vọng lệch lạc
Phải làm tất cả mọi thứ để sinh cho bằng được một đứa con trai - nghe có vẻ giống như câu chuyện ở thế kỷ trước, nhưng giờ đã là năm 2020 rồi, tư tưởng trọng nam khinh nữ cổ hủ vậy vẫn còn tồn tại hay sao?
Thật đáng tiếc, câu trả lời là có!
Những năm gần đây, thuốc chuyển đổi giới tính thai nhi nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận Trung Quốc. "Chuyển thai hoàn" hay "hoán thai dược" là tên gọi của một loại thuốc tự xưng "thần dược", có khả năng thay đổi giới tính của đứa trẻ ở trong bụng mẹ. Tất nhiên, trong xã hội vẫn còn nhiều vùng miền mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ như ở Trung Quốc, đa phần người ta đều mong muốn đứa con chưa chào đời của mình từ nữ biến thành nam.
"Chuyển thai hoàn" được sinh ra từ khát vọng lệch lạc "phải sinh con trai" của một bộ phận không nhỏ người dân Trung Quốc.
Thế nhưng, không giống như lời quảng cáo hoa mỹ của những gã lang băm, thay vì được chế tạo từ các loại vitamin tốt cho sức khỏe mẹ và bé, thì những viên thuốc này thực tế lại giống như một loại độc dược. Và biết bao đứa trẻ dị tật đã được tạo ra bởi "thần dược" chuyển đổi giới tính thai nhi ấy.
Để sinh được con trai, người ta có thể liều lĩnh đến mức nào?
Năm 2012, khi đang mang thai ở tháng thứ 5, một thai phụ ở Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã uống viên "hoán thai dược" do mẹ chồng mua về. Đến ngày "nhảy ổ", bà mẹ trẻ sinh ra một đứa bé không phân biệt nổi giới tính là nam hay nữ. Sau đó, gia đình đã đưa "bé trai" đến bệnh viện kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ xác định nhiễm sắc thể của đứa trẻ là nữ.
Lúc này người ta mới vỡ lẽ, đứa trẻ vốn tưởng đã thành công chuyển đổi giới tính từ trong bụng mẹ nhờ "thần dược" này có phần âm đạo bị biến dạng dài ra, khiến cho gia đình lầm tưởng là bộ phận sinh dục nam.
Tương tự trường hợp kể trên, năm 2017, bệnh viện Nhân Dân số 1 Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã tiếp nhận 1 bệnh nhân 4 tuổi không xác định rõ giới tính. Sau khi xem xét kỹ càng, các bác sĩ phát hiện mẹ của đứa trẻ cũng từng uống "chuyển thai hoàn" trong lúc mang thai.
Năm 2019, một bé gái 15 tuổi ở Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc được phát hiện bị thiếu thận, không có tử cung, không có khả năng sinh sản. Nguyên nhân được cho là do mẹ cô bé từng uống "chuyển thai hoàn" trong thời kỳ bầu bí.
Những viên "thần dược" chuyển đổi giới tính thai nhi ấy không chỉ gây tổn hại cho bé gái, mà có không ít bé trai cũng phải hứng chịu những bi kịch do chúng tạo nên. Đầu năm 2001, một thai phụ sau khi uống "chuyển thai hoàn" đã bị sảy thai, đáng buồn hơn, đứa bé trong bụng cô được xác định là con trai.
Khi phụ nữ mang thai uống thuốc chuyển đổi giới tính thai nhi, thì cho dù đứa trẻ có may mắn giữ được mạng sống cũng sẽ phải đối mặt với các loại dị tật bẩm sinh.
Dẫu cho đã có bao nhiêu vụ việc đau lòng liên quan đến thuốc chuyển đổi giới tính thai nhi được các phương tiện truyền thông đăng tải, thì cho đến nay, người ta vẫn có thể nghe được ở đâu đó tại Trung Quốc vẫn còn những thai phụ vì muốn sinh con trai "nối dõi tông đường" mà nhắm mắt uống loại "thần dược" này.
Có người tình nguyện, cũng có người bị ép uống. Một số thai phụ cho dù có sợ tác dụng phụ thì dưới sức ép của chồng và mẹ chồng vẫn phải ngậm ngùi nuốt viên "thần dược" ấy xuống. Có người lại chẳng hề hay biết đang bị bà mẹ chồng trọng nam khinh nữ ngấm ngầm đút cho uống những viên thuốc chuyển đổi giới tính thai nhi.
Lại có người dù biết những viên "thần dược" chẳng có chút căn cứ khoa học nào, thế nhưng nhìn thấy họ hàng quanh mình nhờ uống "chuyển thai hoàn" mà thành công sinh được con trai nên cũng uống cho "bằng chị bằng em".
Rất nhiều thai phụ không thèm để tâm đến lời khuyên can của người khác, một mực tin rằng "chuyển thai hoàn" thật sự có thể giúp họ thay đổi giới tính của đứa con trong bụng mình. Những bà mẹ lúc bình thường luôn hết sức cẩn thận trong việc đi lại hay ăn uống, thậm chí bị bệnh cũng không dám uống thuốc sợ gây ảnh hưởng đến con, vậy mà chỉ vì khát vọng sinh con trai, họ sẵn sàng nuốt vào bụng những viên "thần dược" chẳng biết được làm từ thành phần gì.
Càng đáng buồn hơn nữa là chưa từng có ai đặt ra câu hỏi rằng liệu viên thuốc ấy "có an toàn hay không", bởi điều mà bọn họ quan tâm từ đầu đến cuối chỉ là "có tác dụng hay không".
"Thần dược" có thật sự "thần thánh" như lời đồn?
Đa phần mọi người đều biết nhiễm sắc thể giới tính của nữ là XX, của nam là XY, và ép nhiễm sắc thể X biến thành Y là điều không tưởng. Việc sinh con trai hay con gái đã được định đoạt ngay từ lúc tinh trùng gặp trứng, không có cách nào thay đổi được kết quả ấy, thế nhưng vẫn còn rất nhiều người không hiểu, hoặc cố tình không hiểu.
Và vẫn có rất nhiều người mù quáng tin rằng "chuyển thai hoàn" có thể giúp họ biến đứa con trong bụng - chưa biết mang giới tính gì - thành con trai. Phải chăng là vì những câu chuyện thành công được truyền miệng khiến họ có thêm niềm tin mãnh liệt, hay là bởi khát vọng sinh con trai quá lớn đã lấn át hết lý trí trong họ?
Trên thực tế, thuốc chuyển đổi giới tính chính là androgens - Methyltestosterone. Androgens là hormone, có thể được gọi là nội tiết tố nam, nhưng cả cơ thể đàn ông và phụ nữ đều sản xuất androgen, chỉ với số lượng khác nhau. Nội tiết tố androgen được xem như một kích thích tố sinh dục ở nam giới, tạo nên sự nam tính. Khi thiếu hormone này cơ thể người nam sẽ bị nữ hóa, cơ bắp không phát triển. Còn Methyltestosterone là một loại thuốc androgen và steroid đồng hóa (AAS) được sử dụng trong điều trị nồng độ testosterone thấp ở nam giới, dậy thì muộn ở trẻ em, điều trị ung thư vú ở phụ nữ; ở liều thấp như một thành phần điều trị nội tiết tố mãn kinh đối với các triệu chứng mãn kinh như: bốc hỏa, loãng xương, ham muốn tình dục thấp ở phụ nữ.
Có một số bà mẹ vốn dĩ mang thai nam, nhưng thai nhi phát triển hơi muộn, vì vậy lúc siêu âm khó nhìn ra giới tính. Và đến khi con trai chào đời, họ một mực tin rằng viên "hoán thai dược" đã giúp cho giấc mơ của gia đình mình thành hiện thực. Cũng có một số trường hợp "có vẻ" đã thành công biến con gái thành con trai khiến cho người lớn trong nhà mừng vui khôn xiết. Thật ra, đứa bé trong bụng vốn là con gái, nhưng vì bị bổ sung quá nhiều nội tiết tố nam nên bộ phận sinh dục phát triển bất thường, phần thịt nhô ra khiến cho nhiều người lầm tưởng là con trai.
Đứa trẻ "từ nữ biến thành nam trong bụng mẹ" nhìn bề ngoài khá giống con trai, nhưng cơ thể vẫn có đủ buồng trứng, tử cung, âm đạo… Ngay khi lọt lòng, đứa con vàng con bạc này sẽ được gia đình nuôi dưỡng như một bé trai. Có trường hợp phải đến tuổi dậy thì mới phát hiện ra có gì đó sai sai, khi "con trai" mình đột nhiên có kinh nguyệt. Những bé gái này vì sự khát khao sinh con trai của gia đình mà vô tình bị dị tật ở cơ quan sinh dục, mắc tình trạng lưỡng tính giả ở nữ.
Nỗi đau của những đứa trẻ có mẹ trót uống "chuyển thai hoàn"
Một ngày đẹp trời, "con trai cưng" bỗng biến thành một cô con gái lưỡng tính giả, chuyện này chẳng khác nào sét đánh giữa trời quang, và có thể sẽ khiến người lớn trong gia đình phải ân hận suốt đời. Nhưng thực tế thì người phải chịu nhiều tổn thương nhất chính là những đứa trẻ vô duyên vô cớ bị dị tật vì sự thiếu hiểu biết của các bậc phụ huynh.
Chỉ riêng nỗi đau về mặt sinh lý của những đứa trẻ này cũng đủ khiến người ta phải thương xót. Nhiều đứa trẻ mắc chứng rậm lông, kinh nguyệt bị tắc, tiểu tiện ra máu… Muốn được sống như người bình thường, có lẽ chúng sẽ phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn.
Dẫu vậy, vẫn chẳng có cuộc phẫu thuật hay "thần dược" nào giúp cho những đứa trẻ đáng thương vượt qua chướng ngại tâm lý mà chúng phải hứng chịu.
Một bác sĩ chia sẻ, anh từng chứng kiến một bệnh nhân mắc dị tật lưỡng tính giả ngay khi tỉnh lại sau cuộc phẫu thuật đã thốt lên đầy sầu muộn: "Cháu phải nói với bạn bè thế nào đây? Chơi với nhau cũng mấy năm, giờ phải làm sao để nói với các bạn là cháu đã trở thành một cô gái rồi? Kỳ quặc quá!"
Đối với những đứa trẻ ấy, thời gian tiến hành phẫu thuật tốt nhất là từ 2-4 tuổi. Thế nhưng ở Trung Quốc, bởi nhiều gia đình còn chưa hiểu và xem trọng loại dị tật này nên rất nhiều đứa trẻ khi được đưa đến bệnh viện khám chữa đều đã qua độ tuổi thích hợp nhất. Bên cạnh đó, có những người dù biết rõ giới tính của con mình chỉ là một sự nhầm lẫn nhưng vẫn cố tình lựa chọn xử lý theo cách sai lầm.
Những bé gái vốn có nhiễm sắc thể XX, nhưng ngay từ khi ở trong bụng mẹ đã bị tước đoạt giới tính, bị tước đoạt luôn cả bộ phận hoàn thiện trên cơ thể và khả năng sinh sản sau này. Loại dị tật lưỡng tính giả kể trên không phải do trời sinh, mà hoàn toàn là "tai nạn" do con người gây ra, thậm chí còn là do chính những người ruột thịt của đứa trẻ tạo nên.
Những đứa trẻ đáng thương ấy sẽ phải đối mặt với sự bất hợp lý về giới tính cả trên phương diện sinh lý lẫn trong cuộc sống. Chúng sẽ bị lún sâu vào vũng lầy của rào cản nhận thức giới tính, hoang mang không biết mình là ai, nghiêm trọng hơn còn muốn kết thúc sinh mệnh đầy khổ đau của mình.
Hệ lụy của tư tưởng trọng nam khinh nữ
Cách đây không lâu, trên MXH Weibo xuất hiện bài viết Hiệu Ứng Bươm Bướm Trong Thị Trấn thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận Trung Quốc. Trong bài viết, tác giả đề cập đến hiện tượng lạ ở một thị trấn tại tỉnh Hà Bắc: Thế hệ trẻ hiện tại ngày càng có nhiều gia đình bố đơn thân nuôi con.
30 năm trước, chính sách Kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc được áp dụng, mỗi gia đình chỉ được sinh 1 con. Dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng "con trai nối dõi tông đường", người dân nơi đây đua nhau sinh bằng được con trai. Phép Vua thua lệ làng, chính sách chung khi về đến thị trấn còn được sửa đổi thành: Nếu con đầu là con gái thì có thể sinh thêm 1 con nữa.
Nhà nào cũng chỉ chăm chăm sinh con trai sẽ dẫn đến việc mất cân bằng giới tính, thế nên hiện tại, số lượng nam giới độc thân ở thị trấn này luôn bỏ xa số lượng nữ giới chưa kết hôn. Mất cân bằng giới tính nghiêm trọng lại dẫn đến sự "tăng giá" của lễ vật cưới hỏi khiến cho nhiều chàng trai không đủ khả năng lấy vợ. Kỳ lạ hơn, nếu thanh niên nào có vợ chưa cưới chẳng may qua đời sớm thì vẫn phải tổ chức " minh hôn " (nghi thức kết hôn với người chết) với phần lễ vật trị giá không được thấp hơn 200 nghìn tệ (tương đương 708 triệu đồng).
Không kiếm được vợ, nhiều chàng trai đành lựa chọn đổi mục tiêu sang những người phụ nữ đã hết hôn. Bởi vậy, ngày càng có nhiều người vợ bỏ nhà ra đi, dẫn đến hiện trạng tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cao, mô hình "gia đình mới" cũng ra đời và nhiều ông bố đơn thân phải sống cảnh "gà trống nuôi con".
Ở tỉnh Cam Túc có một địa điểm vô cùng đặc biệt được mệnh danh là thôn Quang Côn - tức thôn làng của những người đàn ông cô đơn, không có vợ.
Tại đây, vì quá khan hiếm phụ nữ nên nữ giới được ví như "nữ hoàng". Có những cô gái mỗi ngày xem mắt tới hơn 30 người đàn ông, hay có người đàn ông đi xem mắt suốt 18 năm mà vẫn độc thân vì không tìm nổi đối tượng… Tất cả những hiện trạng này sâu xa đều bắt nguồn từ tư tưởng trọng nam khinh nữ quá nặng nề đã tồn tại từ nhiều thế hệ.
Theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc, vào năm 2019, tỷ lệ giới tính của trẻ em trong độ tuổi từ 0-4 ở nước này là 113,62. Trong khi đó, tỷ lệ giới tính ở mức bình thường được Liên Hiệp Quốc công bố là khoảng 103-107. Con số chênh lệch 6-10% so với tỷ lệ tiêu chuẩn này cho thấy, số lượng nam giới ở Trung Quốc nhiều hơn nữ giới tới 30 triệu người.
Trong lúc rất nhiều gia đình Trung Quốc điên cuồng theo đuổi "giấc mộng con trai" thì nhiều người khác lại đang âu sầu vì chứng kiến số lượng bé gái ở nhà trẻ đang ngày một ít hơn so với số lượng áp đảo của các bé trai. Không biết rằng trong tương lai không xa, khi những đứa trẻ này trưởng thành, tại Trung Quốc sẽ còn xuất hiện thêm những kiểu mô hình gia đình kỳ lạ thế nào nữa…
Theo Đình Đình (Trí Thức Trẻ)