Trong chương trình "Doctor is hot", bác sĩ Trần Quan Nhậm, khoa tim mạch, bệnh viện Shin Kong Wu Ho-Su Memorial Hospital, chia sẻ về trường hợp một bệnh nhân nữ (20 tuổi) sống tại Đài Loan.
Được biết, bệnh nhân nữ vốn là một cô gái năng động và yêu thể thao. Một hôm, cô gái bắt đầu có triệu chứng ho, chảy nước mũi do cảm lạnh. Nghĩ rằng bản thân vẫn còn trẻ, sức đề kháng tốt nên cô gái chỉ uống nhiều nước và nghỉ ngơi mà không đi khám.
Điều kì lạ là các triệu chứng cảm lạnh kéo dài suốt 2 tuần và không thuyên giảm, cô gái chỉ hoạt động nhẹ cũng thở hổn hển, vài ngày sau cơ thể bắt đầu phù nề, chân phù gấp 2, 3 lần bình thường, dùng ngón tay ấn vào da bị lõm và không thể đàn hồi.
Cô gái đã đến phòng khám địa phương nhưng bác sĩ cũng bất lực và khuyên cô nên đi khám tại bệnh viện chuyên khoa Shin Kong Wu Ho-Su Memorial Hospital. Thời điểm cô gái được bố đưa đến bệnh viện khám, tiến hành xét nghiệm máu cho thấy chức năng gan tổn thương, cổ trướng.
Kết quả xét nghiệm chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ tim, khả năng co bóp tim chỉ ở mức 20 (người bình thường là 50 ~ 70, người trẻ 70 ~ 80), được đánh giá chỉ đạt 1/3 ~ 1/4 giá trị tiêu chuẩn, chức năng tim suy giảm, phổi và bụng bắt đầu tích nước, chức năng gan suy giảm, cơ thể phù nề, nguyên nhân là do "cảm lạnh không khỏi hẳn".
Bác sĩ Trần giải thích, cảm lạnh là do virus gây ra, một số virus đặc biệt dễ xâm nhập vào tim, có thể gây ra bệnh viêm cơ tim nghiêm trọng. Một số bệnh nhân có thể gặp tình trạng chức năng tim không thể hồi phục, thậm chí trải qua ca phẫu thuật ghép tim, trường hợp nguy kịch có thể đối mặt với nguy cơ đột tử.
Bệnh nhân nữ do cảm lạnh dẫn đến bệnh viêm cơ tim đã được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, may mắn là bệnh nhân vẫn còn trẻ, khả năng phục hồi tốt, sau khi uống thuốc điều trị và thuốc lợi tiểu, trong vòng 2 đến 3 ngày, bệnh nhân đã được chuyển ra ngoài phòng thường. Một tuần sau, bệnh nhân đã có thể xuất viện, 2 tháng sau bệnh nhân tái khám và khả năng co bóp tim đã hồi phục ở mức 60.
Mặc dù những bệnh nhẹ không nhất thiết phải đến gặp bác sĩ, nhưng bác sĩ Trần nhắc nhở rằng nếu bạn nhận thấy bệnh cảm lạnh vẫn chưa được chữa khỏi, bạn vẫn nên đi khám để xem có phải do nguyên nhân đặc biệt hay không. Nếu bạn không tiếp nhận điều trị ngay lập tức thì bạn có thể gặp di chứng về lâu dài.
Viêm cơ tim là tình trạng viêm các tế bào cơ tim, có thể cục bộ hoặc lan tỏa do tác nhân nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, nấm…) hoặc tác nhân không nhiễm trùng.
Nguyên nhân bệnh Viêm cơ tim
Viêm cơ tim do các tác nhân nhiễm trùng:
Virus: coxsackie B, adenovirus, virus viêm gan B, C, HSV, EBV… Viêm cơ tim do virus là nguyên nhân thường gặp nhất nhưng thường không thể chẩn đoán xác định được.
Vi khuẩn: Tụ cầu, liên cầu, bạch hầu,…
Nấm: Candida, aspergillus,…
Kí sinh trùng: Toxoplasma, Trypanosoma cruzi,…
Viêm cơ tim có thể xảy ra do các tác nhân không nhiễm trùng: thuốc nhóm anthracycline (Daunorubicin, Adriamycin), cocaine, CO, bệnh lupus, viêm mạch tế bào khổng lồ, Takayasu,..
Triệu chứng bệnh Viêm cơ tim
Triệu chứng viêm cơ tim có thể từ nhẹ đến rất nặng. Các triệu chứng thường gặp của viêm cơ tim:
Dấu hiệu của nhiễm trùng: Sốt, cảm cúm, đau mình mẩy…
Đau ngực.
Khó thở tùy mức độ suy tim.
Các rối loạn nhịp tim: Ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất…
Trường hợp nặng có dấu hiệu của sốc tim: huyết áp tụt, chân tay lạnh, tiểu ít, khó thở liên tục, có thể phù phổi cấp.
Phòng ngừa bệnh Viêm cơ tim
Hạn chế tiếp xúc với những người nhiễm virus, nhiễm cúm, hoặc có phương tiện bảo vệ khi tiếp xúc.
Vệ sinh đặc biệt vệ sinh tay sạch sẽ.
Tiêm một số vacxin phòng bệnh: vacxin cúm, viêm gan B,…
Theo Tú Uyên (Pháp Luật & Bạn Đọc)