Nhờ tấm bằng loại giỏi của một trường đại học có tiếng, ra trường tôi xin được vào làm trong một công ty nước ngoài. Công việc tuy có áp lực nhưng mức thu nhập cũng thuộc hàng khá.
Tôi quen chồng tôi qua sự giới thiệu của một người bạn. Anh cũng làm cùng ngành với tôi, có lối sống và suy nghĩ khá hiện đại. Có sự tương đồng trong công việc cũng như nhận thức về cuộc sống nên mối quan hệ của chúng tôi tiến xa khá nhanh. Tôi với anh cũng mong sớm về chung một nhà nên lễ cưới được tổ chức chỉ sau nửa năm quen biết.
Trước khi lấy anh, tôi có bày tỏ quan điểm muốn hai vợ chồng sau khi cưới sẽ ra ngoài ở riêng. Qua lời các chị em đồng nghiệp, tôi khá lo lắng về cuộc sống tại nhà chồng với mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu.
Nhưng anh nói mẹ anh rất dễ tính, nói tôi hãy yên tâm, mẹ sẽ không gây khó dễ gì cho tôi. Hơn nữa anh nói, bên nhà nội của anh, chưa có ai ra ngoài sống riêng mà tất cả con trai đều sống chung cùng bố mẹ nên điều này cũng khó với anh.
Tôi đành đồng ý và tự nhủ, sống chung cũng có cái hay, cứ thử 1-2 năm xem sao. Những lần tiếp xúc với mẹ anh khi đến nhà chơi, khi vào bếp giúp mẹ anh nấu nướng, tôi cũng cảm nhận mẹ không phải là người khó tính.
Quả thực, đúng như lời anh nói, mẹ chồng tôi dễ tính thật. Mẹ là hình mẫu người phụ nữ của gia đình, người phụ nữ cam chịu. Trước khi tôi về làm dâu, mọi công việc trong nhà đều một tay mẹ lo cả. Bố chồng tôi là mẫu người gia trưởng, theo ông thì việc nhà là của đàn bà phụ nữ, không thể chấp nhận cảnh đàn ông đeo tạp dề, lo chuyện bếp núc.
Thông cảm với sự vất vả của mẹ nên từ ngày về làm dâu, tôi cố gắng tranh thủ thời gian để làm việc nhà giúp đỡ mẹ. Hôm ấy cuối tuần, bố tôi ra ngoài với bạn bè nên tôi nói với mẹ để tôi lo chuyện cơm nước. Dù không khéo tay nhưng tôi cũng làm xong một mâm cơm khá tươm tất với đủ món xào, luộc, rán.
Chẳng ngờ khi vào mâm cơm, vừa động đũa bố chồng tôi đã chau mày. Hóa ra là do tôi nấu ăn nhạt, ông ăn không vừa miệng. Rồi các món tôi nấu cũng không theo kiểu ông ăn.
Sau hôm đấy tôi mới biết, trước giờ cả nhà đều phải ăn theo sở thích của bố tôi. Canh mồng tơi là phải vắt chanh, canh rau đay lại không nấu cùng mướp hay cua mà chỉ nấu không, và đặc biệt là phải thật đặc.
Dù bố chồng tôi luôn miệng nói đàn ông là phải lo công to việc lớn trong nhà, thế nhưng ông lại rất hay để ý đến từng các việc vặt, từ những chuyện nhỏ nhất trong nhà bếp.
Tôi nấu ăn, ông phải vào ngó xem có nấu cơm bằng nước nóng không, rau rửa đã ngâm đủ 3 lần chưa. Tôi lau dọn, ông cũng phải ngó vào xem lau có sạch không, có để lại nước trên sàn không. Làm việc mà bố chồng cứ đứng sau xét nét rồi chờ để chê bai, tôi thấy chẳng thoải mái chút nào.
Chồng tôi thì chắc do đã quen với tính cách bố như vậy cả bao năm qua, với lại anh cũng không phải va chạm với bố chuyện việc nhà anh chỉ coi mọi sự là chuyện nhỏ. Mỗi lần tôi phàn nàn hay cảm thấy tủi thân vì những câu nói của bố thì anh đưa ra mấy lời động viên “Bố già rồi, em so đo làm gì”, “Em sống với anh chứ có sống với bố cả đời đâu mà sợ”…
Mọi sự trở nên căng thẳng hơn khi một hôm, trong lúc cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa, tôi có vô tình đánh rơi chiếc bình hoa mà bố chồng yêu thích. Chiếc lọ rơi xuống, vỡ choang ra từng mảnh. Tôi chưa kịp định thần thì giọng bố tôi đã từ đâu vang tới “Thôi chết rồi, cái gì vỡ đấy”.
Vừa chạy đến, nhìn thấy cảnh tượng ông đã mặt đỏ phừng phừng quát lên: “Cô có biết cái bình đó quý giá với tôi thế nào không. Thật không hiểu bố mẹ dạy thế nào để một đứa con gái vụng thối vụng nát thế này nữa”.
Tôi đứng khóc ngay tại đấy. Mẹ chồng tôi thấy vậy liền chạy tới an ủi tôi, bảo vì quý chiếc bình quá nên bố chồng tôi mới nói vậy.
Tôi thật không hiểu nổi, chỉ vì một chuyện nhỏ như vậy mà bố chông tôi lại làm quá lên như thế, thậm chí lôi cả bố mẹ tôi vào. Tôi có thể chấp nhận bị người khác mắng mỏ, nhưng tôi cảm thấy bị xúc phạm vô cùng khi bố mẹ mình bị mang ra nói. Đúng là, sống chung với mẹ chồng đã là gì so với người bố chồng quái chiêu của tôi đây!
Theo Hà An (Khampha.vn)