Chớ xem thường dị ứng thực phẩm
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viên Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh cấp cứu bệnh nhân H. 55 tuổi bị ngộ độc thực phẩm và sốc phản vệ độ III.
Được biết trước đó vài giờ chị H. có đi ăn liên hoan tại nhà người quen. Sau khi ăn thịt gà và con ruốc biển khoảng 15 phút, chị H. xuất hiện tình trạng đau bụng, ngứa khắp người, ban đỏ toàn thân. Khoảng 30 phút sau khi ăn, tình trạng của chị H. trở nên nghiêm trọng và ngất đi. Ngay sau đó, người thân đã đưa chị H. đến BV Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí để cấp cứu.
Chỉ vì sốc phản vệ sau khi ăn thịt gà, hải sản, người phụ nữ này suýt mất mạng. Đây là sự cố không ai ngờ tới. Những vụ việc sốc phản vệ sau khi ăn là hồi chuông cảnh báo người dân cần quan tâm đúng mức tới vấn đề này để tránh đẩy bản thân vào tình huống nguy hiểm.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng, chuyên gia tại phòng khám dinh dưỡng VIAM khẳng định người dân chớ xem thường dị ứng thực phẩm, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng. Ước tính có khoảng 1-2% người lớn và 5-8% trẻ em bị dị ứng thực phẩm trên toàn cầu.
“Dị ứng thực phẩm diễn ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với những chất có trong thực phẩm, thường là protein, mà cơ thể cho là những chất gây hại.
Hiện tượng phản ứng ngứa khởi đầu cho một chuỗi các phản ứng dị ứng diễn ra trong cơ thể. Phần lớn các trường hợp dị ứng với thức ăn đều xảy ra trong lần ăn đầu tiên và chưa được mọi người quan tâm đúng mức.
Điều này gây nhiều khó khăn cho việc phòng ngừa và điều trị dị ứng với thực phẩm. Đối với những người có cơ địa dị ứng, quá mẫn cảm thì dị ứng thức ăn có thể dẫn đến ra sốc phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng. Một số người mẫn cảm đến nỗi chỉ cần chạm vào loại thực phẩm hoặc bàn ghế, bát đũa có dính loại thực phẩm cũng có thể gây dị ứng.
Ngoài sữa bò, trứng được nhiều người biết tới là thực phẩm dễ gây dị ứng còn có nhiều loại thực phẩm khác gây nguy cơ gây dị ứng cao như lạc, dọc mùng…”, TS. Hồng Sơn phân tích.
Bí kíp xử lý dị ứng thực phẩm
Các biểu hiện của dị ứng với thực phẩm thường xảy ra trong vòng một vài phút cho đến vài giờ sau khi ăn.
“Điều tai hại là đôi khi dị ứng thực phẩm đôi khi có khi biểu hiện rất mơ hồ và nhẹ nhàng như chán ghét thức ăn, thay đổi khí sắc sau khi ăn. Tình trạng này cũng hay xảy ra ở trẻ em trong khi cha mẹ lầm tưởng con biếng ăn và ép ăn”, TS. Hồng Sơn nói.
Mức độ nặng nhẹ của dị ứng thực phẩm phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cơ thể, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất lạ vào cơ thể và phụ thuộc vào thời gian xử lý điều trị.
Vì thế, TS. Hồng Sơn khuyến cáo người dân hãy ngừng ăn thực phẩm gây ra có triệu chứng ngứa khi ăn.
Nếu mọc ban, nổi mề đay sau khi ăn thực phẩm nào đó thì tuyệt đối không tắm, lau người bằng nước nóng vì động tác kỳ cọ khi tắm, nhiệt độ cao của nước rất dễ khiến tình trạng phát ban nặng thêm.
Hãy đắp nước mát lên bề mặt ban, nốt mề đay; mặc quần áo rộng, thoáng mát và nghỉ ngơi.
Cấp cứu ngay lập tức nếu xảy ra hiện tượng dị ứng nặng
Các hiện tượng bao gồm đau quặn bụng, tiêu chảy; co thắt, thắt chặt đường hô hấp, họng bị sưng lên gây khó thở; giảm huyết áp, tim đập nhanh, mạch nhanh; chóng mặt, hoa mắt hoặc mất ý thức...
Khi sốc phản vệ xảy ra, thuốc đầu tay được sử dụng là adrenalin.
Hiện nay đã có bút tiêm adrenalin tự động một liều duy nhất, có thể cứu sống tính mạng người bệnh sốc phản vệ trong trường hợp khẩn cấp.
“Những người dễ bị dị ứng thực phẩm nên hết sức cẩn trọng khi ăn uống, đặc biệt là khi đi chơi xa và khi lên máy bay. Hãy luôn mang theo bên người bút tiêm adrenalin tự động bên mình.
Theo Thu Hà (Phunusuckhoe.vn)