Ngày 23/4, bác sĩ Trần Quang Dư, khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết các bác sĩ vừa phẫu thuật cho hai bệnh nhi bị vỡ ruột thừa.
Trường hợp đầu tiên là bé trai 6 tuổi, trú huyện Bình Chánh, TP.HCM, nhập viện trong tình trạng sốc, rối loạn tri giác, mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm thấp, nguy hiểm đến tính mạng.
3 ngày trước, bé có đau bụng vùng quanh rốn, người nhà nghĩ rằng bé bị rối loạn tiêu hóa nên có mua thuốc cho bé uống nhưng không giảm. Đến khi bé ói nhiều lần, than mệt, vã mồ hôi thì mới được đưa vào bệnh viện khám.
Tại khoa Cấp cứu, bé được chẩn đoán viêm phúc mạc ruột thừa. Các bác sĩ đã điều trị chống sốc tích cực, tiến hành phẫu thuật cấp cứu cắt ruột thừa, rửa bụng, dẫn lưu ổ bụng cho bé.
Trong lúc mổ ghi nhận ruột thừa hoại tử toàn bộ đã vỡ. Bé tiếp tục được điều trị tại khoa Hồi sức ngoại thêm 1 ngày, tình trạng sức khỏe hồi phục tốt.
Một bệnh nhi khác ở quận 12 cũng đau bụng, người nhà tự mua thuốc cho uống vì ngại đến bệnh viện khám trong mùa dịch. Hai hôm sau bé nôn ói, lơ mơ, nói sảng, vào bệnh viện quận cấp cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Bác sĩ chẩn đoán viêm phúc mạc ruột thừa, phẫu thuật cấp cứu. Hiện sau mổ ba ngày, bé tỉnh táo, sức khỏe dần hồi phục.
Theo bác sĩ Dư, trong thời gian chống dịch, mọi người thực hiện giãn cách xã hội nhưng phải luôn quan tâm, cảnh giác với các vấn đề sức khỏe. Không nên quá lo lắng, sợ hãi không đến bệnh viện khi cần thiết, dẫn đến phát hiện chậm trễ bệnh.
Khi trẻ có các biểu hiện nghi ngờ bệnh lý, gia đình cần điện thoại đến bệnh viện để được tư vấn. Nếu cần thiết, nên đưa bé đi khám sớm ở các cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị kịp thời.
HP (Nguoiduatin.vn)