Trong chương trình "Doctor is hot", bác sĩ Trần Lượng Vũ, khoa tai mũi họng, bệnh viện Asia University Hospital, chia sẻ về trường hợp bệnh nhân nam là anh Tăng hiện đang là kiến trúc sư. Do tính chất công việc ngồi nhiều và ít vận động, anh Tăng thường uống cà phê để duy trì sự tỉnh táo trong thời gian dài.
Một hôm, vào giờ giải lao buổi chiều, anh Tăng quyết định chợp mắt một lát để hồi phục năng lượng. Nửa tiếng sau, cấp trên muốn cùng anh Tăng bàn bạc công việc nhưng gọi thế nào anh vẫn không tỉnh. Chỉ khi cấp trên đến bên cạnh lay dậy thì anh Tăng mới tỉnh giấc, nhưng lúc này, anh Tăng hoảng hốt phát hiện tai phải bị mất thính lực nên đã đến bệnh viện khám.
Bác sĩ Trần Lượng Vũ giải thích: "Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh điếc đột ngột. Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, tình trạng điếc đột ngột không gây ra thương tổn lâu dài. Tuy nhiên, ở trường hợp bệnh nhân có thói quen ngồi lâu, ít vận động, cộng thêm uống cà phê thay nước lọc sẽ khiến nồng độ máu trở nên đông đặc, gây ra hiện tượng tắc nghẽn mạch máu ở tai và dẫn đến bệnh điếc đột ngột".
Hiện nay, anh Tăng đã áp dụng một số phương pháp điều trị nhưng tình trạng điếc đột ngột ở tai vẫn không phục hồi, do đó, anh Tăng buộc phải sử dụng máy trợ thính.
Bác sĩ Trần Lượng Vũ khuyến cáo: "Cà phê được xem là một thức uống lợi tiểu, nếu bạn uống một tách cà phê thì bạn phải bổ sung thêm 1 - 2 ly nước, nếu bạn không uống đủ nước sẽ xảy ra tình trạng máu đông đặc, khi đó, cholesterol trong máu quá cao sẽ gây ra hiện tượng tắc nghẽn mạch máu và dẫn đến bệnh điếc đột ngột".
Đặc điểm chung của điếc đột ngột
Điếc đột ngột (tên tiếng Anh là Sudden Hearing Loss) là một tình trạng mất thính giác đột ngột và diễn ra nhanh mà không giải thích được, người bệnh có thể bị điếc một lúc hoặc trong một vài ngày. Điếc đột ngột xảy ra do vấn đề về các cơ quan cảm giác của tai trong. Điếc đột ngột thường chỉ xảy ra ở một tai.
Những người bị điếc đột ngột thường phát hiện mất thính giác khi thức dậy vào buổi sáng, có những người phát hiện ra giảm thính lực đột ngột khi đang cố gắng nghe gì đó, chẳng hạn như khi sử dụng điện thoại, thậm chí có những trường hợp ngược lại, người bệnh nghe thấy tiếng ồn ào ngay trước khi thính giác của họ biến mất. Những người bị điếc đột ngột cũng có thể nhận thấy một hoặc nhiều triệu chứng: cảm giác đầy tai, chóng mặt hoặc ù tai..
Đôi khi, những người bị điếc đột ngột không đến gặp bác sĩ vì họ nghĩ rằng mất thính lực là do dị ứng, nhiễm trùng xoang, ráy tai nhiều hoặc các tình trạng thông thường khác. Mặc dù điếc đột ngột có thể tự phục hồi một phần hoặc hoàn toàn thính lực một cách tự nhiên trong vòng một đến hai tuần, tuy nhiên nếu chẩn đoán và điều trị điếc đột ngột muộn có thể ảnh hưởng kết quả điều trị.
Theo dịch tể học, điếc đột ngột xảy ra với tỷ lệ từ 1 đến 6 người trên 5.000 trường hợp mỗi năm, nhưng trên thực tế có thể cao hơn nhiều vì điếc đột ngột nhiều lúc không được chẩn đoán.
Nguyên nhân gây điếc đột ngột
Có rất nhiều các rối loạn ảnh hưởng đến tai có thể gây ra điếc đột ngột nhưng chỉ có 10% những người được chẩn đoán mắc điếc đột ngột có nguyên nhân có thể xác định được, như:
Nhiễm trùng.
Chấn thương đầu.
Bệnh tự miễn.
Tiếp xúc với một số loại thuốc điều trị ung thư hoặc nhiễm trùng nặng.
Vấn đề lưu thông máu.
Rối loạn thần kinh, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng.
Rối loạn tai trong, chẳng hạn như bệnh Ménière.
Theo Tú Uyên (Pháp luật & Bạn đọc)