Theo PGS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc BV Bạch Mai, trong tổng số gần 2 triệu người được tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam, chưa một trường hợp nào có biểu hiện về tình trạng huyết khối, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu.
Còn với tác dụng phụ gây huyết khối tắc mạch, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu sau tiêm, tỉ lệ này của vắc xin AstraZeneca Việt Nam đang sử dụng là 1-4 phần triệu. Cụ thể, 1 triệu người tiêm có 1-4 người có biểu hiện rối loạn đông máu thể hiện bằng huyết khối, tắc mạch, giảm tiểu cầu.
Để thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, Bộ Y tế kết hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ TT&TT… để mở một chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn chưa từng có từ trước tới nay, đặc biệt có sự chỉ đạo của chính quyền các cấp trên địa bàn.
Hơn nữa, Bộ Y tế đã ban hành phác đồ hướng dẫn người đến tiêm, cán bộ y tế tiêm vắc xin theo dõi phản ứng phụ sau tiêm từ 1-4 tuần.
PGS Cơ khuyến cáo trong khoảng 1- 4 tuần sau tiêm, phải theo dõi kỹ những dấu hiệu sau:
1. Phù chân, phù tay, phù dai dẳng.
2. Tức ngực, khó thở.
3. Đau bụng dai dẳng không tìm thấy nguyên nhân.
4. Nôn ói, đau đầu, nhìn mờ, thậm chí co giật, liệt nửa người.
Nếu người dân phát hiện có những dấu hiệu này cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.
PGS Cơ cũng cho biết việc uống thuốc chống dị ứng trước khi đi tiêm để phòng nguy cơ sốc phản vệ như người dân truyền tai là không có giá trị. Hay việc uống aspirin phòng biến chứng đông máu sau tiêm là không nên, không có tác dụng. Quan trọng nhất, cơ sở tiêm chủng cần khám sàng lọc kỹ, theo dõi kỹ phản ứng sau tiêm.
Thường sau tiêm vắc xin khoảng 14 ngày thì cơ thể sinh ra kháng thể bảo vệ. Đối với vắc xin phòng Covid-19, chưa biết rõ tiêm vắc xin phòng Covid-19 bao lâu thì có miễn dịch bảo vệ.
Hiện nay Việt Nam có thể làm xét nghiệm để phát hiện 1 người được tiêm vắc xin phòng bệnh đã có kháng thể sau tiêm hay chưa.
Theo Ngọc Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)